Những đối tượng lừa đảo nhắm đến các quỹ cứu trợ Covid-19 của Chính phủ Mỹ, khiến thiệt hại có thể lên đến hơn 200 tỷ USD.
Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) của Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) ngày 27-6 cho biết, đã xác định phương thức những kẻ lừa đảo sử dụng để lấy cắp tiền thuế của người dân Mỹ và trục lợi từ các chương trình trợ giúp những người khó khăn.
Báo cáo do OIG công bố cùng ngày nêu rõ, các đối tượng lừa đảo nhắm đến Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) và Chương trình cho vay phục hồi thiệt hại kinh tế trong thảm họa (EIDL). Đây là hai chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, hướng đến trợ giúp những trường hợp gặp khó khăn do tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Theo Reuters, SBA đã giải ngân khoảng 1.200 tỷ USD từ hai chương trình kể trên trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, 136 tỷ USD từ EIDL và 64 tỷ USD từ PPP có khả năng đã được cấp cho những đối lượng lừa đảo. Tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 200 tỷ USD, chiếm khoảng 17% của các khoản hỗ trợ từ hai chương trình này.
SBA phản đối con số do OIG đưa ra. Các chuyên gia của cơ quan này ước tính số tiền bị lừa đảo ở mức 36 tỷ USD, với hơn 86% trong số này được cấp vào năm 2020.
Cuộc điều tra của OIG đã dẫn đến hơn 1.000 cáo trạng và 529 bản án liên quan đến gian lận hỗ trợ Covid-19. Gần 30 tỷ USD của EIDL và PPP đã bị tịch thu hoặc được hoàn trả cho SBA.
Mỹ đang điều tra nhiều trường hợp gian lận liên quan đến các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Năm 2022, công tố viên liên bang Kevin Chambers dẫn đầu cuộc điều tra các âm mưu lừa đảo với mục đích tương tự. Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống gian lận Covid-19.
Tháng 9- 2022, Bộ Lao động Mỹ cho biết, những đối tượng lừa đảo có khả năng đã đánh cắp 45,6 tỷ USD từ chương trình bảo hiểm thất nghiệp của chính phủ bằng cách sử dụng số an sinh xã hội của những người đã qua đời.
Cũng trong tháng 9, các công tố viên liên bang đã buộc tội hàng chục trường hợp lừa đảo 250 triệu USD từ chương trình viện trợ trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch.
Theo ước tính của Government Accountability Office (GAO) - cơ quan kiểm toán độc lập của chính phủ liên bang, Mỹ đã chi khoảng 4.600 tỷ USD cho kế hoạch ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Trong số này, khoảng 90,5 tỷ USD vẫn chưa giải ngân tính đến tháng 1-2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.