(HNM) - Sau lễ nhậm chức tổng thống đúng một ngày, nhà lãnh đạo mới của Afghanistan Ashraf Ghani (ngày 30-9) đã quyết định ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ. Thỏa thuận này cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ lưu lại Afghanistan sau lộ trình rút quân vào ngày 31-12-2014 nhằm đào tạo và cố vấn cho
Phát biểu sau lễ ký, tân Tổng thống Ashraf Ghani tuyên bố BSA đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố quan hệ giữa Kabul và Washington; đồng thời khẳng định thỏa thuận này sẽ không gây ra bất kỳ đe dọa nào đối với các quốc gia láng giềng của Afghanistan. Từ Washington, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh sự kiện trên, coi đây là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Lính Mỹ tiếp tục đồn trú ở Afghanistan sau năm 2014. |
Tiến trình đàm phán về BSA được khởi động từ tháng 11-2012 với mục tiêu là ký được một thỏa thuận vào tháng 5-2013. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại dưới thời cựu Tổng thống Hamid Karzai đã gặp nhiều trở ngại khi ông H.Karzai muốn dành công việc này cho người kế nhiệm. Khúc mắc lớn nhất khiến cựu lãnh đạo Afghanistan từ chối phê chuẩn hiệp ước này là quy chế miễn trừ đối với binh sĩ Mỹ, việc trao quyền tự do tiến hành các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Afghanistan và số lượng căn cứ quân sự Mỹ sẽ được duy trì sau năm 2014. Ông H.Karzai coi các yêu sách này của Mỹ đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Nam Á.
Trên thực tế, việc ký kết hiệp ước BSA là một thử thách đối với Chính phủ Afghanistan, vì thỏa thuận này có thể coi là một sự "nhượng bộ" của Kabul về một số vấn đề vốn gây tranh cãi. Thực tế, không ít người dân Afghanistan đã bày tỏ thái độ mạnh mẽ với việc binh sĩ Mỹ được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp nước này, cũng như việc họ được quyền khám xét các nhà thờ và nhà dân. Kết quả điều tra dư luận gần đây cho thấy, đa số người dân mong muốn chính người Afghanistan phải bảo đảm được an ninh của mình; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia đã được tổ chức lại sau khi chính quyền Taliban sụp đổ vào năm 2001. Họ cũng không thể quên hàng nghìn người dân Afghanistan đã thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự, các cuộc oanh kích do lính Mỹ tiến hành nhằm vào Taliban. Nhiều người lo ngại các thảm kịch tương tự sẽ có thể lặp lại nếu quân Mỹ còn hiện diện ở nước này.
Tuy nhiên, việc tân Tổng thống A.Ghani nhanh chóng ký kết BSA với Mỹ cho thấy, tình hình an ninh của quốc gia Nam Á đang là thách thức lớn đối với ông A.Ghani. Dù đã xây dựng được lực lượng khá mạnh trong thời gian qua nhưng quân đội Afghanistan vẫn chưa thể đảm nhận hoàn toàn các trọng trách an ninh sau khi quân đội nước ngoài rút khỏi đây. Quan trọng hơn, cuộc chiến chống khủng bố đang là một trong những vấn đề lớn mà Chính phủ mới của Afghanistan phải tiếp nhận. Nó cũng là bằng chứng khẳng định cuộc chiến chống Taliban trong hơn 10 năm qua chưa kết thúc và vấn đề bảo đảm, ổn định đất nước vẫn là nhiệm vụ thường trực của ban lãnh đạo mới. Những kẻ cực đoan và tàn quân Taliban vẫn đang rình rập khắp nơi. Do vậy, nếu Chính phủ Afghanistan chậm trễ hơn nữa trong việc ký kết một hiệp ước an ninh, có thể sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Nền kinh tế Afghanistan đang gặp nhiều khó khăn, nên sự hỗ trợ tài chính của Mỹ và phương Tây ở thời điểm này rất quan trọng. Nhà lập pháp Haji Mirdad Khan Nijrabi từng cho biết Mỹ đã đề nghị viện trợ cho Afghanistan 4,1 tỷ USD dành cho việc xây dựng các lực lượng an ninh và 4 tỷ USD khác dành cho các cơ sở dân sự. Vì vậy Afghanistan ký BSA cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không bỏ rơi các lợi ích của quốc gia đồng minh này. Theo báo cáo của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của nước này dự kiến giảm từ 3,6% năm 2013 xuống còn 3,2% trong năm nay. Các nhà đầu tư lo ngại, tình hình an ninh tại Afghanistan có thể bị ảnh hưởng nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng quốc tế. Do vậy Hiệp ước BSA sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế tại Afghanistan.
Trong khi đó, về phía mình, Washington không đơn giản chỉ muốn duy trì quân đội ở Kabul mà sâu xa hơn là bảo đảm sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng tại khu vực chiến lược quan trọng này. Trong kế hoạch "Con đường tơ lụa mới" với tâm điểm là Afghanistan mà Mỹ đề xuất, thì tham vọng của xứ Cờ hoa là muốn kiểm soát và gây ảnh hưởng hợp nhất tại một khu vực rộng lớn ở Trung và Nam Á, các nước ngoại vùng Caucasus, thậm chí lan tới cả Mông Cổ. Như vậy, BSA nằm trong lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ nên không thể bị trì hoãn thêm nữa dù đã tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc ký kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.