Nhiều người đến Nhật Bản có ấn tượng mạnh vì ý thức rất cao của người tham gia giao thông, đi cả tuần có khi không nghe thấy một tiếng còi xe nào...
Người viết có lần nêu thắc mắc “sao mà ý thức họ tuyệt vời thế” với chị phiên dịch người gốc Hà Nội có hơn 30 năm sinh sống ở Tokyo. Câu trả lời nhận được cũng gây ấn tượng mạnh không kém: “Không hẳn là ý thức đâu, mà cái chính là do cảnh sát phạt rất nghiêm. Chứ chỗ nào lỏng lẻo thì người ta cũng vi phạm cả đấy”.
Nhìn sang một nước trong khu vực ASEAN là Singapore, chúng ta cũng không khỏi ao ước một ngày nào đó văn hóa giao thông đô thị ở ta đạt được tầm như họ. Nhưng ai cũng biết, chế tài xử phạt vi phạm trật tự giao thông ở Singapore rất nghiêm, chẳng hạn như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, hay lái xe khi say rượu thì người vi phạm có thể bị phạt tiền hàng nghìn đô la Singapore, bị tước bằng lái, thậm chí đối mặt với án tù.
Kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới đều cho thấy, chế tài nghiêm khắc và văn hóa giao thông có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Trước hết, chế tài nghiêm khắc đóng vai trò là công cụ răn đe, buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ luật lệ. Khi mức xử phạt cao và được thực thi nghiêm minh, người dân sẽ có xu hướng cẩn trọng hơn khi lái xe, từ đó hình thành thói quen tốt và nâng cao ý thức tự giác. Ngược lại, khi văn hóa giao thông được nâng cao, người dân tuân thủ luật lệ một cách tự nguyện, không chỉ vì sợ bị phạt mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, nếu chế tài lỏng lẻo, nhiều người sẽ có tâm lý chủ quan, dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan và làm suy yếu văn hóa giao thông.
Do đó, để cải thiện tình hình giao thông, cần kết hợp cả hai yếu tố: Chế tài nghiêm khắc để thiết lập kỷ luật, đồng thời giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức, hướng đến sự tuân thủ tự giác của người dân.
Thực tiễn giao thông ở Việt Nam hiện nay rất cần được cải thiện, thậm chí đây là đòi hỏi rất cấp bách. Chỉ tính riêng năm 2024, cả nước đã xảy ra 23.484 vụ tai nạn giao thông, làm 10.944 người chết và 17.342 người bị thương. Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc không chấp hành quy tắc giao thông là nguyên nhân chính.
Để cải thiện tình hình, phải đồng thời thực hiện hai yếu tố nêu trên. Nếu chỉ trông chờ vào ý thức rất khó tạo chuyển biến. Mức chế tài “bình bình” như nhiều năm qua đã chứng minh sự cải thiện rất ít và chậm. Cho nên cái chính yếu ở đây là tính răn đe còn yếu.
Chân lý bao đời là "muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thước". Nghị định số 168/NQ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ "quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe" với tính chất răn đe mạnh mẽ ra đời chính là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp bách. Tuy nhiên, trước quy định mới, vừa qua, vẫn tồn tại những ý kiến chưa thật đồng thuận, các thế lực xấu cũng nhân cơ hội này để tuyên truyền phá hoại, khiến không ít người dân "bán tín bán nghi"...
Dẫu vậy, chỉ sau 3 tuần đi vào thực hiện, Nghị định 168/NQ-CP đã đem lại những hiệu ứng rất tích cực. Số vụ vi phạm giao thông đã giảm đáng kể, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ gây tai nạn và tai nạn giao thông cũng giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2024.
Có thể nói, một quy định vừa mới, vừa nghiêm thì gặp khó khăn ban đầu âu cũng là điều bình thường. Nhưng giống như việc Nhà nước nghiêm khắc cấm đốt pháo nổ và bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây, tất cả đều vì lợi ích chung to lớn cho xã hội và chính người dân, không sớm thì muộn Nghị định 168/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn và đem lại lợi ích lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.