Muốn sang thì bắc cầu KiềuMuốn con hay chữ thì yêu lấy thầyHồi mấy chị em tôi còn bé, bà ngoại rồi mẹ thường ru chúng tôi bằng câu ca dao ấy. Bây giờ, câu ca dao lại về trong lời mẹ tôi ru cháu. Khi lớn tôi hỏi, bà cắt nghĩa: cầu kiều chỉ là một tượng trưng, còn cụ thể như thế nào chẳng ai hay; chữ yêu trong câu ca chỉ sự kính trọng chứ không phải yêu theo nghĩa thông thường.
Niềm vui của cô, trò trường Tiểu học Chu Văn An trong Ngày nhà giáo Việt Nam |
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Hồi mấy chị em tôi còn bé, bà ngoại rồi mẹ thường ru chúng tôi bằng câu ca dao ấy. Bây giờ, câu ca dao lại về trong lời mẹ tôi ru cháu. Khi lớn tôi hỏi, bà cắt nghĩa: cầu kiều chỉ là một tượng trưng, còn cụ thể như thế nào chẳng ai hay; chữ yêu trong câu ca chỉ sự kính trọng chứ không phải yêu theo nghĩa thông thường. Tôn sư trọng đạo chính là truyền thống của một dân tộc hiếu học. Vì vậy, câu ca dao mới thành lời ru, đi vào tâm hồn con người từ thuở nằm nôi. Lớn lên chút nữa, tôi để ý, nhiều bà, nhiều người mẹ ru cháu, ru con ngủ bằng câu ca dao này lắm.
Cô giáo chủ nhiệm hồi cấp 1 của tôi nay đã về hưu. Hồi ấy, lớp đông, những năm chục đứa. Làm chủ nhiệm, cô không chỉ đứng trên bục dạy chúng tôi học, uốn từng nét chữ mà còn như một người mẹ ở trường, như trong bài hát Cô giáo như mẹ hiền. Nhà cách trường bảy cây số, cô đi dạy bằng xe đạp. Sau mỗi buổi lên lớp, cô lại tất tả về để kịp bữa trưa cho chồng con. Tới khi về hưu, cô vẫn đi làm bằng chiếc xe đạp giản dị. ở một trường cấp 1 của một địa phương nghèo, cô cũng như rất nhiều thầy cô khác không có nguồn thu nhập nào khác mà đồng lương giáo viên nào đáng là bao. Phụ huynh lo miếng ăn cũng chưa xong, nói gì quà cáp. Hồi ấy, những ngày lễ, tết, bố mẹ thường chở tôi đến nhà chúc mừng cô và gia đình. Quà thật giản dị, khi bó hoa lần hộp mứt được gói một cách trang trọng. Nhưng bao giờ cũng thế, trong câu chuyện là cả sự biết ơn chân thành của bố mẹ tôi đối với công dạy dỗ của cô. Nhiều bạn cùng lớp cũng được bố mẹ đưa đến nhà chúc mừng cô như vậy. Đến giờ, đời sống dư giả nhưng mỗi lần bố mẹ và tôi đến thăm cô thì cũng chỉ tấm lòng biết ơn hơn là những gói quà bọc giấy bóng kính. Bà tôi bảo, đấy là sự kính trọng, là chữ yêu trong câu ca dao bà ru. Nó quí giá và đáng trọng hơn bất cứ thứ quà cáp xa xỉ nào.
2. Tôn sư, trọng đạo nhưng xưa, các cụ cũng hay chế giễu những thói hư tật xấu của các thầy đồ. Có thầy đồ dốt trong cái cười dân gian: thầy đồ tam đại con gà; có thầy đồ tham ăn; có thầy đồ hay ăn cắp vặt... Nghĩa là, tự xưa bên cạnh rất nhiều người thầy đáng kính, không ít trong số đó là các bậc thức giả, trí sĩ thì cũng có những đối tượng cần phê phán.
Chuyện nay: Ông chú ruột tôi xin cho con đi học lớp 1. Cả thành phố có một trường điểm. Phụ huynh nào cũng muốn xin cho con em mình vào đó. Người “mạnh gạo” chạy tiền. Người “mạnh quyền” nhờ quan hệ. Ông chú tôi kết hợp cả hai bởi “gạo” không mạnh mà “quyền” chỉ dây mơ dễ má tí ti. Một lá thư tay của người đứng đầu một ngành gửi tới hiệu trưởng trường nọ, thêm mấy gói quà đến nhà thầy, nhà cô ở phòng tổ chức, thằng bé được nhận. Năm vừa rồi, nó lên cấp 2. Do trái tuyến, bố mẹ lại phải chạy vạy đôn đáo, lại thư tay. Lo xong thủ tục, cả nhà bạc mặt.
Chuyện như thế có lẽ không ít. Người ta kêu ca nhiều. Dân kêu. Cũng như ngày xưa các cụ từng chế giễu một số ít thầy đồ đáng phê phán vậy.
3. Cậu trò này học rất giỏi, phải mỗi tội ham chơi, hay đàn đúm. Có lần, tôi nghe cậu và một nhóm ngồi trong căng- tin uống nước với nhau. Câu chuyện đại để thế này: - Ngấy người. Cứ nghe lão (thầy giáo) lải nhải tao chỉ muốn ra ngoài. Tuần nào cũng hai tiết. - Tao cũng thế. Ngồi giờ của lão như cực hình.
Ví dụ như thế không ít, mà mức độ còn vừa vừa. Gọi thầy là lão, mụ, thậm chí cả thằng, con... Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba... nhưng cũng vừa vừa thôi chứ. Chuyện quỉ, ma, thứ ba là chuyện nghịch ngợm, có phần đáng yêu và tha thứ được. Còn cách gọi, xưng hô với thầy cô là chuyện đạo đức, không thể chấp nhận. Tiếng Việt chỉ có một đại từ, đấy là: thầy giáo, cô giáo hoặc vắn tắt: thầy, cô. Những học sinh, sinh viên như cậu trò kia, như nhóm bạn của cậu nhiều hay ít ?
Lại một trường hợp khác. Mấy bậc phụ huynh ngồi nói chuyện với nhau: - Đến đâu rồi ? Chạy mẹ cho xong, học bạ đẹp cũng thuận lợi. Vài trăm nghìn. - Chuyện vặt. Mua bán sòng phẳng hết. Điểm chác thằng con cao, cũng nở mày mặt. - Ông cứ làm như cái gì cũng mua bán được hết. Có khi người ta mắng cho ấy (Một người cự lại). - Lo xa. Không bán thì ai mua.
Hóa ra, trong dạy học cũng có chuyện bán- mua, xin- cho điểm ? Thế nên mới có chuyện “chạy” ? Người “bán”, “cho” liệu có nhiều ? Thế nên mới có tiêu cực. Cũng như ngày xưa có những thầy đồ bị các cụ ta chế giễu. Nhưng điều khó chấp nhận là thái độ, là ứng xử, là cách nghĩ của không ít học sinh, không ít phụ huynh bây giờ. Từ một vài hiện tượng, họ đã nghĩ rằng tiêu cực là phổ biến trong ngành Giáo dục.
4. Một anh trước hôm làm khoá luận tốt nghiệp đại học ngủ nhờ nhà tôi bảo: - Giáo viên bây giờ là nhất. Lương chính, rồi dạy thêm dạy nếm, phụ huynh học sinh biếu xén chẳng mấy mà giàu.
Hôm vừa rồi, tôi đến nhà một người bạn. Anh bạn nghe vợ ru con, đúng câu ca tôi hay được nghe hồi còn ẵm ngửa, toét miệng cười:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ biết điều chi ra
Chị vợ cũng cười. Bà ngoại vốn là cô giáo cấp 2 sa sầm mặt mày. Bà từng xung phong đi miền núi dạy học. Công tác bao nhiêu năm mới trở về thành phố hợp lí hóa gia đình. Tự dưng, tôi nhớ cô giáo chủ nhiệm hồi cấp một của tôi. Tới khi về hưu cô vẫn chỉ đủ sống một cách tằn tiện bằng đồng lương khiêm tốn và tình yêu với nghề. Dường như người ta hay để ý tới cái xấu hơn là cái tốt. Như cô giáo tôi, như mẹ vợ anh bạn, hiện vẫn còn biết bao người cắm bản, gieo chữ ở những vùng xa xôi, khó khăn như miền núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long... Họ đã sống một cách âm thầm, dạy hàng nghìn học sinh một cách âm thầm, không đòi hỏi, không hề lên tiếng đến mức có cảm giác họ bị lãng quên. Trong số này, rất nhiều người cả tuổi thanh xuân đã trôi qua trong cô đơn.Và nếu không có những thầy, cô giáo vô tư, tận tụy, hết lòng vì học sinh thì lấy đâu ra lớp lớp học trò đem lại vinh quang cho gia đình, đất nước ?
Đấy mới là những người thầy, người cô đáng nói, đáng trọng. Đáng nói hơn, đáng đề cập hơn một số ít tiêu cực trong ngành Giáo dục. Người Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhưng xem ra để làm được đúng như câu ca dao không dễ. Yêu lấy thầy thì trước hết hãy nói về những người thầy đáng kính trọng một cách kính trọng.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.