(HNMCT) - Nền nếp, truyền thống gia đình là yếu tố quan trọng hình thành nên những nét đẹp văn hóa người Hà Nội, trong đó phải kể đến vai trò nêu gương của những người lớn tuổi trong nhà. Quá trình tiếp biến văn hóa, những điều còn, mất trong văn hóa truyền thống gia đình của người Hà Nội đang đặt ra câu hỏi, làm thế nào để vẫn giữ được nếp xưa trong một đô thị hiện đại đang lớn mạnh từng ngày. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
- Thưa GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, từ xưa đến nay, giáo dục bằng cách nêu gương vẫn luôn là một phương pháp hiệu quả. Theo ông phương pháp giáo dục này có những ưu điểm gì và từ xưa đã được áp dụng ra sao?
- Giáo dục bằng cách nêu gương là một trong những phương pháp giáo dục con người, được gọi là phương pháp nêu gương. Đó là phương pháp dùng các mẫu hành vi, hành động, hoạt động, những con người thực có những thành tích, công trạng cụ thể giới thiệu cho người được giáo dục để lấy đó làm gương, nhắc nhở mọi người bắt chước, noi theo. Cơ chế tâm lý của phương pháp này là sự bắt chước - một quy luật trong đời sống tâm lý con người. Nhờ có phương pháp này mà những hành vi tốt đẹp trong cuộc sống nếu được xã hội cổ vũ, đồng tình thì tự khắc sẽ được lan tỏa, nhân rộng mà không tốn nhiều công sức. Ưu điểm hiển nhiên dễ nhận thấy của phương pháp này là trực quan, được con người tiếp nhận bằng mắt, dễ nhìn, dễ thấy.
Các nghiên cứu về tâm lý học đã chỉ ra rằng, con người ta nhận thức được thế giới khách quan bên ngoài bằng nhiều con đường: Bằng mắt (thị giác), bằng tai (thính giác), bằng các cơ quan thụ cảm khác của cơ thể (như bằng da, thông qua sờ mó...), trong đó tiếp nhận thông qua thị giác là con đường hiệu quả nhất. Nêu gương (người thật, việc thật) sẽ giúp con người dễ học tập, dễ noi theo.
Trong các gia đình Hà Nội xưa, ông bà, bố mẹ thường tự nêu gương bằng những lời nói, việc làm đúng mực. Uốn nắn con những quy tắc bất thành văn trong ứng xử như “Kính trên nhường dưới”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”... Đặc biệt con gái Hà Nội được cha mẹ dạy bảo “công, dung, ngôn, hạnh”, giữ đủ nét e lệ, dịu dàng, ý tứ. Vào bữa cơm, trước khi ăn phải mời người lớn theo thứ tự, không gõ bát, khi ăn cơm không chóp chép, không bới đồ ăn... Chính qua những hành động nhỏ này mà có thể đánh giá đứa trẻ ấy lớn lên trong gia đình có nền nếp, gia phong hay không. Họ còn dùng tấm gương chăm học, học giỏi của người con cả để nhắc nhở các con phải chăm chỉ học tập. Dùng tấm gương chịu khó giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà của cô con gái để khuyên bảo các con phải biết để tâm vào các việc vặt trong nhà...
- Nhìn vào những vụ việc ứng xử lệch chuẩn trong thời gian gần đây, có thể thấy không ít người lớn vẫn chưa là tấm gương cho con trẻ. Ông nhận định thế nào về điều này?
- Những hành vi ứng xử không đẹp mắt mà báo đài nêu ra gần đây, theo tôi cần phải lên án. Trẻ em bao giờ cũng có xu hướng bắt chước hành vi của người lớn. Đây là một quy luật của tâm lý học. Con người là con người của tự nhiên, mang dấu ấn của loài (loài người). Bắt chước là hành vi tập nhiễm mang tính bản năng của các loài sinh vật trong đó có loài người. Trong quá trình trưởng thành của mình, thế hệ đi sau (trẻ em) thường nhìn các thế hệ đi trước, trong nhà là ông, bà, cha mẹ, anh chị..., ở ngoài xã hội là người lớn tuổi hơn mình, để ý xem họ làm cái gì để mình bắt chước làm theo. Nếu người lớn có các hành vi không đúng thì trẻ sẽ dễ dàng học theo cái xấu đó, chỉ với một lý do đơn giản là “người lớn” đã làm như thế.
Trong gia đình, nếu bố mẹ nói tục thì con sẽ dễ dàng cũng biết nói tục, chửi bậy... Tại nhà trường, các em được dạy bảo về các hành vi đạo đức cần có như trung thực, không tiểu bậy ở ngoài đường, không tự ý ngắt hoa ở nơi công cộng, không nói to ở chỗ đông người... Các em đã “cấu tạo lại” những nhận thức của mình. Khi bước ra thực tế cuộc sống, bắt gặp ai đó đã không làm như thế, về mặt tâm lý học, trong đầu các em sẽ xảy ra cuộc “khủng hoảng niềm tin”: Hóa ra nhà trường đã dạy bảo mình như vậy, nhưng ngoài xã hội đã không như vậy. Niềm tin về lẽ phải, về chân lý trẻ được tiếp nhận trước đó bị “sụp đổ”. Để chữa lại điều này sẽ rất tốn công. Bởi vậy, là người lớn, phải là người có đạo đức, hành vi phải thực sự chuẩn mực để con trẻ noi theo, bắt chước. Nếu vì chẳng may có những sai trái nào đó thì phải biết “xin lỗi” để làm gương cho trẻ.
- Theo ông nguyên nhân vì đâu mà dẫn đến thực trạng này?
- Mọi người tìm nguyên nhân các hành vi lệch chuẩn và thường gán vào ba môi trường giáo dục: Nhà trường - Gia đình - Xã hội. Họ thường có xu hướng đổ lỗi cho nhà trường đã giáo dục các em chưa tốt, chưa đầy đủ; gia đình ít quan tâm chăm sóc dạy bảo các con; xã hội còn quá nhiều các hiện tượng tiêu cực, mà việc xử lý nó lại chưa đến nơi đến chốn...
Tuy nhiên, một cách nhìn đầy đủ hơn, cần nhấn mạnh trước tiên nguyên nhân bắt nguồn từ gia đình, khi các em còn nhỏ được chăm sóc dưới bàn tay của bố mẹ. Lớn lên một chút, các em đi học, nhưng thời gian các em ở trường vẫn ít hơn rất nhiều so với thời gian các em sống trong gia đình. Lâu nay ta đã coi nhẹ, bỏ trống mảng giáo dục gia đình. Điều này toàn xã hội phải sửa chữa. Đặc biệt, việc các hiện tượng tiêu cực, các hành vi vô đạo đức trong xã hội xuất hiện nhiều nhưng lại không được xử lý nghiêm và kịp thời đã ảnh hưởng rất nguy hại đến hành vi của trẻ.
- Từ thực trạng trên, theo ông cả 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội cần phải làm gì để người lớn thực sự là tấm gương cho trẻ nhỏ?
- Gia đình phải là cái nôi giáo dục trẻ. Bố mẹ phải thực sự là tấm gương cho con trẻ noi theo. Trước tiên, lời nói của bố mẹ phải chuẩn mực, không nói tục, chửi bậy, bố mẹ biết tôn trọng nhau, không cãi cọ nhau. Đặc biệt bố mẹ phải biết tôn trọng con cái, biết nói chuyện với con, biết khuyên con cái làm các điều hay, lẽ phải, hướng dẫn các con thành người.
Nhà trường phải đặc biệt chăm lo giáo dục học sinh các chuẩn mực đạo đức hành vi cần có thông qua các môn học. Giáo dục các em biết noi theo các tấm gương đẹp, biết tôn trọng bố mẹ, tôn trọng các anh chị, người lớn trong nhà. Thầy cô giáo phải thực sự trở thành các tấm gương tốt để các em học theo.
Xã hội phải là một xã hội có kỷ cương, kỷ luật nghiêm, xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm pháp luật mà không có vùng cấm.
Một điều rất quan trọng, người lớn muốn trở thành một tấm gương tốt để trẻ em noi theo bắt chước thì chính người lớn phải biết tự giáo dục mình, tự sửa mình.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.