(HNM) - Gần đây, một số đối tượng sẵn có tư tưởng bất mãn đã lợi dụng tình hình chính trị phức tạp ở các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới để thông tin một chiều, từ đó quay sang chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chiêu trò “mượn gió bẻ măng” này dễ là “ngòi nổ” gây ra những bất ổn xã hội trong nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Đây cũng là nội dung đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra và coi đó là một nguy cơ.
1. Việc đưa thông tin sai lệch, một chiều về những vấn đề nội bộ của nước khác nhằm chia rẽ mối quan hệ đối ngoại, làm giảm uy tín của Việt Nam với các nước xưa nay không hiếm. Gần đây, những diễn biến tại Hồng Kông (Trung Quốc), Venezuela và Bolivia cũng bị nhiều đối tượng dưới vỏ bọc cung cấp thông tin “khách quan” để nhằm mục đích khác.
Cụ thể là khi cảnh sát Hồng Kông (Trung Quốc) có biện pháp xử lý các cuộc biểu tình thì các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng núp bóng “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền” trong và ngoài nước thường xuyên đăng tải các hình ảnh trên mạng xã hội, kêu gọi người dân góp một tiếng nói phản đối chính quyền Hồng Kông, từ đó ủng hộ cho cái gọi là “phong trào dân chủ” trong nước. Rồi họ hô hào các tầng lớp trong xã hội, nhất là học sinh, sinh viên và thanh niên phải “mạnh dạn”, “noi gương” người Hồng Kông…
Cũng trong thời điểm này, khi những bất ổn chính trị ở Bolivia (đất nước ở khu vực Nam Mỹ), khiến Tổng thống Evo Morales từ chức thì những kẻ đội lốt dân chủ trong và ngoài nước lại hô hào người dân, nhất là thanh niên Việt Nam cần phải “noi gương” để tự giải phóng về mặt tư tưởng (?!)...
Đáng lưu ý, sau những sự việc này, các phần tử phản động lưu vong của cái gọi là Phong trào giới trẻ thế giới vì nhân quyền đã thông báo, kêu gọi thanh niên tham gia Đại hội lần thứ 2 vào tháng 4-2020 tại Nhật Bản. Các đối tượng cầm đầu của tổ chức này âm mưu tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là ở trong nước “thấu hiểu các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, tự do”.
Theo thông báo, trong đại hội này, các “diễn giả” - là những cá nhân đứng đầu phong trào biểu tình ở Hồng Kông sẽ thuyết trình, truyền bá kinh nghiệm biểu tình; thảo luận, tìm ra cách thức hành động, liên kết thành lập mạng lưới liên minh các đối tượng hoạt động trong nước và quốc tế núp bóng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Theo cơ quan chức năng, các đối tượng “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng vấn đề Hồng Kông, Bolivia (trước đó là Venezuela), kêu gọi người dân Việt Nam “đấu tranh” cho “xã hội tự do” đều là những phần tử có bề dày thành tích bất hảo. Đó là những kẻ đã từng bị xử lý về tội “hoạt động chống phá chính quyền nhân dân” và nhiều đối tượng là phần tử của các tổ chức khủng bố Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời...
Thực chất thủ đoạn, chiêu trò đưa thông tin sai lệch, lấy những bất ổn chính trị của các nước, vùng lãnh thổ khác đang hoặc đã diễn ra để tìm cách chuyển thông tin, lôi kéo đấu tranh dân chủ, tự do chính là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hết sức nguy hiểm.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” nhận định đó là biểu hiện của việc “thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước” và cần phải có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
2. Những hoạt động kích động người dân Việt Nam như đã nói ở trên dễ gây ra hậu quả, làm suy giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Xin dẫn ra một ví dụ điển hình là, để ký được Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) vào tháng 6-2019, Chính phủ Việt Nam đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức đàm phán, trong đó có cả việc làm rõ sự hiểu lầm, thông tin phiến diện, thậm chí là bịa đặt về các vấn đề nhân quyền, dân chủ. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, những thông tin vu khống, một chiều và phiến diện từ những nhà “dân chủ dỏm” ảnh hưởng thế nào đến quan hệ của Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế.
Để phòng, chống có hiệu quả hoạt động “thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra cần xử lý tốt các vấn đề sau.
Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, nhất là cho thanh niên, sinh viên hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do, hòa bình và các nội dung pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cá nhân. Với địa phương đông dân cư, đông sinh viên và người lao động trong độ tuổi thanh niên như thành phố Hà Nội thì việc này cần chú trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả thông qua việc định hướng tiếp thu thông tin có chọn lọc.
Trong đó, tổ chức Đoàn, Hội sinh viên cần phát huy vai trò năng động, sáng tạo, phối hợp xây dựng nhiều chương trình hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó để giáo dục thanh niên, học sinh, sinh viên thấu hiểu hơn nữa giá trị của tự do, dân chủ và hòa bình thực sự; hình thành cho họ tư duy về hành động đúng đắn, cảnh giác, không bị kích động, lôi kéo vào các chiêu trò gắn mác “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”.
Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cũng cần tích cực tìm hiểu thông tin về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng như tình hình thời sự quốc tế thông qua nguồn thông tin chính thống. Ngoài ra, cần nêu cao cảnh giác, phát hiện, đấu tranh mạnh mẽ, phản bác mọi thông tin sai sự thật, những luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ đường lối đối ngoại của Đảng.
Cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên về tư tưởng, nhất là trong thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương; kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng.
Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những cá nhân cố tình đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.
Qua gần 33 năm đổi mới, công tác đối ngoại đã góp phần giúp Việt Nam giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao vị thế là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Để công tác đối ngoại có hiệu quả hơn nữa, mỗi công dân cần cảnh giác, vững tâm, không để kẻ xấu kích động, lôi kéo. Đó là một trong những hành động thiết thực nhất, để Việt Nam nhân đà sức mạnh đoàn kết, cất cánh trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.