(HNM) - 11 năm trước, bóng đá Việt Nam rẽ sang hướng chuyên nghiệp dù chỉ gắn dưới mác thử nghiệm. Bê cách làm bóng đá nghiệp dư - bao cấp sang, LĐBĐ Việt Nam (VFF) vẫn đứng ra tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp thử nghiệm.
1. 11 năm trước, bóng đá Việt Nam rẽ sang hướng chuyên nghiệp dù chỉ gắn dưới mác thử nghiệm. Bê cách làm bóng đá nghiệp dư - bao cấp sang, LĐBĐ Việt Nam (VFF) vẫn đứng ra tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp thử nghiệm. Rồi sau đó là chuỗi ngày học hỏi các nền bóng đá chuyên nghiệp tiên tiến và không thể nói rằng, lãnh đạo VFF không có ý thức về việc phải xây dựng mô hình tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp, nơi BTC giải đấu tách khỏi VFF.
Nhưng từ kiến thức học hỏi được áp vào bóng đá Việt Nam lại có nhiều sự khác, nhất là khi các CLB chưa chuyển hẳn sang mô hình chuyên nghiệp - là doanh nghiệp, kiểu như LG Hà Nội ACB của bầu Nguyễn Đức Kiên đã làm ngay từ khi giải chuyên nghiệp ra đời vào năm 2000. Vài năm trước, mô hình tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp đã được phác thảo, lý thuyết thì nhiều nhưng tính thực tế lại ít, nên tất nhiên không khả thi. Cũng phải nói là trong thời điểm ấy, và đến bây giờ cũng vậy, việc thiếu điều kiện cần và đủ cho một giải chuyên nghiệp đã khiến những vẽ vời trở nên xa lạ.
2. Vì vậy, khi giải đã chính thức chuyển sang chuyên nghiệp (bắt đầu từ năm 2011), tất cả CLB chuyên nghiệp đã thành doanh nghiệp thì cũng là lúc các ông bầu đòi chia sẻ "miếng bánh" V.League, đơn giản là một cách để lấy bóng đá nuôi bóng đá. Với họ, một năm chờ đợi xem có thay đổi gì trong cách điều hành, tổ chức V.League đã là quá đủ. Và khi nhận thấy tình hình vẫn như xưa, "miếng bánh" vẫn hoàn toàn thuộc về VFF, trọng tài vẫn là vấn đề nhức nhối, đội bóng đầu tư gần trăm tỷ đồng vẫn thiệt thòi đủ đường… thì họ phải lên tiếng, bắt đầu từ những phát biểu "gây sốc" của bầu Kiên tại Hội nghị tổng kết các giải vô địch quốc gia. Những hành động tiếp theo được chốt lại bằng việc đề nghị "tái cấu trúc lại khâu tổ chức V.League" như đề nghị của Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức. Một đề nghị khiến tất cả phải chú ý bởi như ông Đoàn Nguyên Đức nói thì "đến nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu bất ổn thì Chính phủ còn phải tái cấu trúc lại nữa là một giải đấu". Ngay cả Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng đã phải tái cấu trúc lại hai lần thì không lẽ gì V.League, vốn bộc lộ nhiều bất ổn lại không được tổ chức lại.
Quan trọng là cách tái cấu trúc đó như thế nào. Bầu Kiên chỉ mất hai giờ đồng hồ để viết xong đề án về Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (chuyên lo tổ chức Giải V.League), và 6 ông bầu chỉ mất thêm một giờ để hoàn thiện. Cách trình bày, lập luận trong đề án ấy được tất cả chủ tịch CLB khác chấp nhận và chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng thừa nhận tính hơn hẳn của nó một cách nhanh chóng.
3. 11 năm VFF mầy mò đi tìm mô hình tổ chức giải V.League hợp lý nhưng vẫn chỉ có một số bản đề án thiếu tính khả thi. Chính cái sự mà vì nó VFF loay hoay hàng chục năm trời thì trong hai giờ ông Nguyễn Đức Kiên và "cộng sự", dựa trên mô hình tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp đã thành công ở nhiều quốc gia, đã hoàn thành phác thảo mô hình, được tất cả chấp thuận. Và nếu lãnh đạo VFF còn lo lắng ở khâu thủ tục, thuyết phục các bộ, ngành và cho rằng phải mất một năm mới xong thì ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định chắc nịch, chỉ cần 7 ngày là xây dựng xong các ban bệ và 10 ngày là có thể xin cấp phép để công ty ấy ra đời. Điều ấy chỉ càng cho thấy, trước đây VFF chưa tận dụng được hết sự nhiệt tình muốn chung tay đưa bóng đá Việt Nam phát triển của các doanh nghiệp làm bóng đá - như lời của ông Đoàn Nguyên Đức.
Một lần ra tay với sự tận tâm, bao thứ nhờ nhờ bấy lâu bỗng nét đâu ra đấy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.