Trước ngày 30-4-1975, lực lượng an ninh Mỹ Tho đã xuất sắc bóc gỡ mạng lưới gián điệp do Mỹ cài lại sau Hiệp định Paris, bắt sống thủ lĩnh tình báo CIA, Robe Đại. Đây được xem là chiến công vẻ vang của lực lượng an ninh địa phương, góp phần cùng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Ông Nguyễn Công Bình
Cuộc chiến gián điệp
Hiệp định Paris ký chưa ráo mực, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành cái gọi là “Chiến dịch tràn ngập lãnh thổ”, ồ ạt đưa quân càn quét, đánh phá, cắm cờ giành dân, lấn đất, bình định một cách gắt gao. Trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho, địch dồn quân giành giựt quyết liệt với ta từng ngày, từng giờ ở hai bên lộ 4, hòng ngăn chặn tuyến hành lang vận chuyển chiến lược của ta xuống phía Đông. Hơn nữa, chúng còn tập trung về đây gần hết lực lượng quân sự của vùng 4 chiến thuật và các đơn vị bảo an, dân vệ, trong đó có đủ loại điệp viên, gián điệp của cơ quan tình báo CIA Mỹ, Phủ Đặc ủy tình báo Trung ương, tình báo Bộ Tổng Tham mưu, đến các tổ chức mật vụ, phượng hoàng... Với chiến dịch này, bước đầu chúng đã gây cho ta không ít khó khăn, tổn thất.
Tháng 5-1974, Bí thư Huyện ủy Châu Thành Bắc Nguyễn Văn Vọng (Văn Tư) gặp Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Công Bình để báo cáo nội bộ một số chi bộ ở các xã; phát hiện tình báo đối phương đang tìm cách móc vào nội bộ của ta. Trong số này có Bảy Quế là cán bộ đảng viên của ta bị bắt, địch lợi dụng hoàn cảnh gia đình Bảy Quế ở vùng địch kiểm soát, chúng khống chế, ép buộc và sau đó thả ra. Bảy Quế tìm cách chui được vào Huyện ủy, làm bí thư chi bộ xã Tân Hương. Trong quá trình hoạt động, do có nhiều nghi vấn, Bảy Quế bị Huyện ủy điều về vùng giải phóng giao nhiệm vụ khác, chờ xác minh làm rõ.
Mất một đầu mối nội gián quan trọng, cơ quan tình báo CIA Mỹ tại Mỹ Tho do trung tá Robe Đại chỉ huy buộc khẩn trương tìm cách tổ chức lực lượng mới. Thông qua tên mật báo viên Phan Thị Thâu (Hai Cốt), Robe Đại ngầm theo dõi và cho bắt vợ của đồng chí Tư Tưởng, Bí thư Chi bộ Tân Hội Đông, trên đường chị từ nhà ra chợ. Vừa đe dọa, vừa dụ dỗ, Robe Đại khống chế và ép buộc đồng chí Tư Tưởng làm nội gián cho chúng. Thông qua Hai Cốt, Robe Đại lại tìm cách móc nối với đồng chí Thanh Hiền, bí thư chi bộ mới của xã Tân Hương. Cùng lúc đó, Trưởng Ty An ninh Mỹ Tho Lê Việt Thanh cũng có báo cáo với Tỉnh ủy về nội dung bức điện mật của Bộ Công an gởi từ Hà Nội cho biết: Trung tâm tình báo CIA Mỹ ở Sài Gòn đã cử một toán tình báo chuyên nghiệp gồm 5 tên, do tên trung tá tình báo Robe Đại chỉ huy, đến chiến trường Mỹ Tho để tổ chức một mạng lưới tình báo và nội gián mà chỗ dựa của chúng là đoàn 101 tình báo ngụy và lực lượng cảnh sát đặc biệt địa phương. Ý đồ của địch là ra sức lập các tuyến ngăn chặn, cố giữ vững tuyến Quốc lộ 4 từ Sài Gòn về miền Tây. Đây chính là hướng điều lực lượng viện binh cứu nguy khi Sài Gòn bị ta tấn công và là hướng rút chạy về Tây Đô cố thủ khi Sài Gòn bị thất thủ.
Robe Đại là ai?
Đây là câu chuyện tình báo xảy ra trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho sau Hiệp định Paris. Người kể lại câu chuyện này là ông Nguyễn Công Bình, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho lúc bấy giờ. Chính đồng chí Nguyễn Công Bình làm trưởng ban chuyên án này - Chuyên án A.23.
Theo tài liệu thu thập được, Robe Đại có tên khai sinh là Jordans, sinh năm 1940, quốc tịch Mỹ, cha người Pháp, mẹ người Việt, quê ở Thanh Hóa. Năm 1947, Đại cùng gia đình định cư tại Mỹ. Năm 18 tuổi, Robe Đại được cơ quan tình báo Mỹ tuyển chọn vào đào tạo ở trường cao cấp tình báo. Năm 1960, y được tung về Việt Nam, hoạt động tại vịnh Cam Ranh. Trong thời gian ở Việt Nam, Đại quen với hai cô gái làm trong sở Mỹ là Phượng và Loan, con của điệp báo viên Hai Cốt. Từ năm 1970, Đại đã ra vào Mỹ Tho và nhận Hai Cốt làm mẹ nuôi. Trong thời gian này, Đại lấy tên là Lê Trường Đại, núp dưới vỏ bọc là phóng viên báo chí, bút danh Nguyễn Minh Hoàng. Tháng 4-1974, Đại được CIA Mỹ cử vào Mỹ Tho, ngụ tại số 109 Nguyễn Huệ để chỉ huy mạng lưới điệp viên do chúng cài lại.
Qua phân tích tình hình và qua đề xuất của Trưởng Ty An ninh, đồng chí Nguyễn Công Bình quyết định thành lập chuyên án diệt địch, lấy mật danh là Chuyên án A.23 do đồng chí trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo; Văn Tư và Lê Việt Thanh làm thành viên. Trong vai một chiến sĩ cách mạng đào ngũ, chán đời, đang đi làm thuê kiếm sống, Ba Minh, một trinh sát an ninh có nhiều kinh nghiệm, tìm cách làm quen và tiếp cận được Hai Cốt. Nắm được cơ quan tình báo địch đang nóng lòng móc nối với hai cán bộ của ta, ban chuyên án chỉ đạo cho đồng chí Tư Tưởng lấy cớ bị bệnh để thoát khỏi sự khống chế của Robe Đại, đồng thời buộc y phải tập trung vào người của ta đang cài vào là đồng chí Hiền. Để tạo niềm tin của địch, ban chuyên án cho phép đồng chí Hiền cung cấp một số tài liệu đã hết giá trị cho Robe Đại. Sau khi xác định cá đã cắn câu, ban chuyên án nhận định và chỉ đạo lập một kế hoạch tấn công giả vào các đồn bót đóng trên tuyến lộ Củ Chi để đồng chí Hiền giao cho Hai Cốt. Tuy là kế hoạch giả, nhưng ta tổ chức như thật, buộc địch điều động lính bảo an đến thay cho toàn bộ bọn dân vệ đóng trên các đồn bót tuyến Củ Chi. Theo đúng kế hoạch, 24 giờ ngày N, ta lần lượt pháo kích dữ dội vào các đồn bót đã lên trong kế hoạch tấn công khoảng 30 phút rồi rút êm. Nguồn tin đã được kiểm chứng, Robe Đại vội yêu cầu đồng chí Hiền làm lý lịch, có dán hình gởi cho hắn. Được sự chỉ đạo của ban chuyên án, đồng chí Hiền cố tìm cách trì hoãn chờ đợi thời cơ phá án.
Bắt sống ông trùm
Viện lý do sắp lên tỉnh nhận công tác quan trọng hơn, thông qua Hai Cốt, đồng chí Hiền đề nghị được gặp Robe nhờ chụp hình dán vào lý lịch điệp báo viên của CIA. Mừng rỡ trước thông tin này, Robe Đại đồng ý sẽ vào để gặp mặt đồng chí Hiền tại một cái chòi trên cánh đồng hoang gần xóm Phụng, lúc 11 giờ ngày 16-8-1974. Ngay sau đó, ban chuyên án có một cuộc họp khẩn rất căng thẳng. Vấn đề ở đây là bố trí lực lượng bao nhiêu cho đủ, liệu tên trùm tình báo này có dễ dàng sập bẫy của ta? Liệu ta dụng kế điệu hổ ly sơn, còn địch có tương kế tựu kế để hốt trọn ổ? Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Công Bình đi đến quyết định không cần bố trí nhiều lực lượng, chỉ cần dũng cảm, gan dạ là đủ vì ban chuyên án chưa hề bị lộ. Điểm yếu của Robe Đại là nóng lòng cài cắm người vào hàng ngũ của ta và sẽ rơi vào bẫy đã giăng sẵn.
Một bức ảnh gần như chưa được công bố của Đinh Quang Thành chụp trong ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập. Trong ảnh là cảnh lính chế độ Sài Gòn bảo vệ dinh bị khống chế và tự động cởi bỏ quân phục. Phía sát dinh, nhiều xe tăng và xe quân giới của quân giải phóng |
Tại Cơ quan An ninh Mỹ Tho, Robe Đại buộc phải khai nhiều tài liệu bí mật của cơ quan tình báo Mỹ, quân đội Sài Gòn. Qua đó, ban chuyên án lần lượt tóm gọn các thành viên còn lại trong mạng lưới điệp viên, gián điệp của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch mùa khô năm 1975, giải phóng toàn khu 4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo NLĐ
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.