(HNM) - Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, VNPT sẽ tập trung phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin mang tính đột phá, chuyển từ khái niệm nhà mạng viễn thông (Telco) sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số (DSP). Đây là bước chuyển đổi sang kinh doanh các dịch vụ số, dịch vụ giá trị gia tăng, công nghệ thông tin, truyền thông... với mục tiêu đưa VNPT trở thành trung tâm giao dịch số tại thị trường Châu Á.
Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục sử dụng dịch vụ tại VNPT Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo Quyết định 2129/ QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký ngày 29-12-2017, phê duyệt phương án cơ cấu lại VNPT trong giai đoạn 2018-2020, VNPT sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ số (Digital Services) hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số (Digital Hub) tại thị trường Đông Nam Á và Châu Á. Tập đoàn VNPT cũng từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và dịch vụ số theo chiến lược phát triển VNPT giai đoạn 2017-2025.
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đã có những lợi thế cho quá trình chuyển đổi này. Đó là mạng lưới rộng khắp, các trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây lớn, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh và khả năng xử lý cũng như phân tích dữ liệu… là những yếu tố quan trọng để Tập đoàn VNPT thực hiện mục tiêu nói trên.
Về hạ tầng mạng lưới, Tập đoàn VNPT đã triển khai xây dựng hạ tầng mạng băng rộng và siêu rộng trên cả cố định và di động. Kể từ quý I-2017 đến nay, Tập đoàn VNPT luôn đứng đầu về thị phần thuê bao băng rộng (FTTH) và cố định. VNPT hiện là nhà cung cấp dịch vụ băng rộng cố định lớn nhất với 4,6 triệu thuê bao, chiếm khoảng 50% thị phần cả nước, tăng 21% so với năm 2016. Ngoài việc đang quản lý trực tiếp trạm cập bờ của 2 tuyến cáp quang biển SMW-3 và AAG, trong năm 2017 VNPT đã đưa vào khai thác tuyến cáp biển băng thông rộng AAE-1; Tập đoàn VNPT đang sở hữu hệ thống vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2. Hiện nay, VNPT có gần 80.000 trạm thu phát sóng 2G, 3G, 4G và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển thêm hàng chục nghìn trạm 3G, 4G. Tập đoàn tiếp tục đặt kế hoạch nâng dung lượng kết nối internet đi quốc tế thêm 1.379 Gbps và bắt đầu xây dựng tuyến cáp quang biển mới bảo đảm việc kết nối cho các thuê bao của mình tốt nhất.
Tập đoàn đã xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ số giai đoạn 2018-2025; xác định các sản phẩm chiến lược của VNPT giai đoạn 2017-2020, tập trung vào các lĩnh vực như chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế. VNPT đã xây dựng và làm chủ đối với các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong phân khúc chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể, VNPT trở thành đối tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin với 52/63 tỉnh, thành phố; giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh (Smart City) tại 17 địa phương.
Tập đoàn cũng đã hoàn thành giai đoạn 1 Đề án xây dựng thành phố thông minh tại huyện đảo Phú Quốc; hoàn thành Đề án đô thị thông minh cho TP Hồ Chí Minh; hoàn thành Đề án du lịch thông minh cho TP Hà Nội. Bộ giải pháp chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai ở 61 tỉnh, thành phố; trong đó 5 địa phương đã triển khai 100% đến cấp xã, phường, 14 UBND tỉnh, thành phố và Bộ Xây dựng đã được kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông quốc gia. Ngoài ra, VNPT còn cung cấp nhiều giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin mới cho khách hàng.
Một lĩnh vực được Tập đoàn đặc biệt chú trọng đó là đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghệ cao được nghiên cứu, phát triển và sản xuất hoàn toàn bởi VNPT. Trong năm 2017, VNPT đã sản xuất hơn 2,1 triệu sản phẩm, gồm các thiết bị phục vụ cho mạng lưới và nhiều sản phẩm mới trong các lĩnh vực kết nối vạn vật (IoT), cảm biến… Tổng doanh thu xuất khẩu (sang các thị trường Ấn Độ, Cuba, Myanmar, Hàn Quốc, Philippines) đạt 335 tỷ đồng. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa, dịch vụ của VNPT sử dụng trên mạng, không phải nhập khẩu là 8.744 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016.
Bên cạnh việc hoàn thiện các giải pháp công nghệ thông tin hiện có, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy các danh mục mới về công nghệ thông tin, truyền thông và dịch vụ số tiềm năng. Đồng thời, tối ưu hóa các dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng và đẩy mạnh triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng do chính VNPT làm ra nhằm tăng tỷ trọng doanh thu. Cũng trong năm 2018, VNPT sẽ tập trung triển khai chiến lược VNPT 3.0 để đáp ứng các mục tiêu phát triển của mình dựa trên những thành tựu hiện có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.