(HNMO) - Trong 1 thập kỷ qua, mức tiêu thụ rượu bia (quy đổi ra rượu nguyên chất) trên toàn cầu hầu như không thay đổi (bình quân 6,13 lít/người/năm).
Trong khi biểu đồ mô tả mức độ tiêu thụ rượu bia của thế giới đi ngang thì Việt Nam “leo dốc”. Cụ thể, mức tiêu thụ bia rượu tăng nhanh từ 3,3 lít năm 2007 lên 3,54 lít năm 2008 và 4 lít vào năm 2010. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt thế giới với mức tiêu thụ rượu bia lên đến 7 lít/người/năm. Việt Nam có mức thu nhập đứng thứ 8 khu vực Đông Nam Á nhưng mức tiêu thụ rượu bia lại đứng thứ nhất, vượt xa so với các nước kế tiếp là Thái Lan và Philippines.
Nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày. Ảnh minh họa từ internet. |
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày. 1 đơn vị rượu tương đương với 10 g rượu nguyên chất và tương đương với 2/3 chai bia 330ml, với 1 cốc bia hơi, 1 cốc 100ml vang hoặc 1 chén (hạt mít) 30 ml rượu mạnh 40 độ. Không chỉ lượng tiêu thụ rượu bia ở nước ta cao mà tỷ lệ sử dụng ở mức có hại cũng cao. Hậu quả của lạm dụng rượu bia không chỉ gây loạn thần, rối loạn bào thai, gia tăng tai nạn giao thong (TNGT), bạo hành mà còn là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Theo nghiên cứu về bệnh ung thư toàn cầu, khi sử dụng 12,5g rượu/ngày là nguyên nhân trực tiếp gây ra 3 loại bệnh ung thư (gồm: ung thư vú, ung thư vẩy tế bào và ung thư thực quản).
PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết thêm, tác hại rượu bia trên quy mô toàn cầu, đó là gây ra 3,8% tỷ lệ tử vong và 4,6% tàn tật toàn cầu. Còn ở nước ta, lạm dụng rượu bia liên quan đến va chạm giao thông và TNGT (khoảng 9.000 trường hợp tử vong hàng năm); có đến 30% các vụ gây rối nơi công cộng liên quan đến rượu… Dù có nhiều quy định liên quan đến hạn chế tác hại của rượu bia đã được ban hành nhưng sự tuân thủ của người bán và người sử dụng rất thấp. Thêm vào đó là việc triển khai, giám sát việc thực thi của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Đồng tình với ý kiến trên, ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) còn cho rằng, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống, đó là khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp 6 lần sau khi uống; khả năng gây tai nạn xe cộ cao gấp hơn 6 lần do uống rượu bia; khả năng bị chấn thương gấp gần 5 lần sau uống.
Cũng theo ThS Trần Thị Trang, quảng cáo làm gia tăng mức độ tiêu thụ rượu bia. Cụ thể, mức độ tiêu thụ rượu tăng gấp đôi ở nam giới trẻ 18-29 tuổi khi xem phim có kèm các hình ảnh quảng cáo rượu bia. Ở những nước cấm quảng cáo rượu bia hạn chế được sự gia tăng của TNGT. Do đó, theo quy định tại dự thảo mới nhất của Luật phòng chống tác hại rượu bia, chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới của doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng, đại lý tiêu thụ đối với rượu, bia từ 13 độ đến dưới 15 độ. Chỉ được phát thông tin về quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ trên các kênh thông tin đại chúng sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.