(HNM) - Không ít vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm được sử dụng để mua sắm tài sản công, phục vụ hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước.
Ô tô nằm trong diện tạm dừng mua sắm nhằm cắt giảm chi phí công, giảm bội chi ngân sách. Ảnh: Bá Hoạt |
Cắt giảm hàng chục tỷ đồng chi phí mua sắm công
Sau khi Chính phủ ban hành quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ NSNN theo phương thức tập trung, đến nay đã có 13 bộ, ngành, địa phương áp dụng thí điểm phương thức này. Theo Cục Quản lý công sản, khi áp dụng phương thức mua sắm tập trung, chi phí mua sắm công sản giảm mạnh, tiết kiệm đáng kể cho NSNN. Thống kê tình hình mua sắm năm 2008 cho thấy, khi áp dụng hình thức mua sắm tập trung, Bộ Tư pháp đã giảm chi (so với dự toán mua sắm tài sản được duyệt) hơn 284 triệu đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường tiết kiệm được hơn 478 triệu đồng. Tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, với loại tài sản mua sắm chủ yếu là thiết bị tin học, khi đấu thầu rộng rãi và mua sắm tập trung, đã tiết kiệm hơn 16,3 tỷ đồng. Tỉnh Thái Nguyên với tài sản mua sắm chủ yếu là thiết bị giáo dục đã tiết kiệm 257 triệu đồng. Tỉnh Bình Thuận tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng...
Từ kết quả năm 2008, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành địa phương đăng ký tham gia thực hiện thí điểm, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Đến năm 2010, số đơn vị đăng ký thực hiện là 23 bộ, ngành, địa phương. Ông Võ Quang Vinh, Chánh văn phòng Cục Quản lý Công sản cho rằng, quy trình mua sắm tập trung đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tiết kiệm chi NSNN. Qua đó, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và bảo đảm việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật.
Hoàn thiện quy chế mua sắm tài sản công
Theo Cục Quản lý công sản, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, phương thức mua sắm tài sản nhà nước theo hình thức tập trung đã bộc lộ một số vướng mắc. Nguyên nhân là do phương thức mua sắm mới nên nhiều bộ, ngành, địa phương còn e ngại khi triển khai, không đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, sự đa dạng về chủng loại thiết bị đòi hỏi công tác đấu thầu cần có nhiều chuyên gia am hiểu chuyên môn và kỹ thuật mới có thể đáp ứng. Chế độ bảo hành, bảo trì tài sản khi mua sắm theo hình thức này cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều đơn vị ở xa địa điểm giao nhận, phát sinh nhiều chi phí... Đại diện một số đơn vị cho biết, khi có nhu cầu sử dụng tài sản, mặc dù đã khảo sát, đánh giá nhưng khó tránh khỏi tình trạng tài sản mua không đáp ứng yêu cầu thực tế, hoặc thiết bị mới không đồng bộ với thiết bị sẵn có...
Tuy nhiên, những hiệu quả thu được từ phương thức mua sắm tài sản nhà nước theo hình thức tập trung cho thấy, nếu được hoàn thiện và sửa đổi, đây sẽ là một trong những hướng đi nhằm nâng cao hiệu quả chi NSNN. Quy trình mới đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về các giải pháp chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có giải pháp cắt giảm 10% các khoản chi thường xuyên, góp phần giảm bội chi NSNN...
Để hoàn thiện quy trình này, mới đây Cục Quản lý công sản đã có dự thảo quy chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung và lấy ý kiến hoàn thiện. Theo dự thảo, việc mua sắm tập trung được thực hiện khi các đơn vị cần mua sắm tài sản với số lượng nhiều, tổng giá trị lớn, hoặc mua sắm với yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại. Việc mua sắm phải bảo đảm nguyên tắc, mua theo đúng tiêu chuẩn, định mức tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và phải bảo đảm mua sắm đồng bộ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu cải cách tài chính công của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.