Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức thưởng cao chưa đủ

Hà Phong| 07/08/2015 06:38

(HNM) - Các cơ quan chức năng đều cho rằng nỗ lực xử lý tội phạm tham nhũng sẽ có kết quả khả quan nếu khuyến khích được người dân chống tham nhũng.


Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai quy định với mức thưởng cao nhất lên đến 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,4 tỷ đồng) hoặc tặng Huân chương Dũng cảm cùng nhiều phần thưởng khác áp dụng cho người tích cực tố cáo tham nhũng, đến nay mới có một trường hợp ở tỉnh Lào Cai được áp dụng với mức thưởng 10 triệu đồng.

Băn khoăn điều kiện áp dụng

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII của các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn TP Hà Nội cho thấy, nội dung chống tham nhũng thế nào cho hiệu quả được người dân đặc biệt quan tâm, đề nghị phải thực hiện hiệu quả hơn nữa. Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Nguyễn Dũng, ở quận Hà Đông dẫn Thông tư liên tịch số 01/2015 quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng do Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ vừa ký, ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-5 vừa qua và cho rằng đây là hình thức khuyến khích bằng vật chất rất phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng.

Theo thông tư này người tố cáo tham nhũng tùy theo mức độ sẽ được khen thưởng bằng 3 hình thức: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của thủ trưởng cơ quan ngang bộ và nhiều phần thưởng vật chất khác. Trong trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể được thưởng vượt mức quy định... tối đa không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở. Người phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng từ 300 triệu đồng trở lên, hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên sẽ được tặng Huân chương Dũng cảm…

Cũng theo thông tư, việc khen thưởng người có thành tích tố cáo tham nhũng được thực hiện công khai, trừ trường hợp có liên quan đến bí mật Nhà nước hoặc cá nhân được khen thưởng đề nghị không công khai. "Tuy nhiên, có điều rất đáng lưu ý là, dù mức thưởng đã bám sát mức lương cơ sở, bảo đảm yếu tố bí mật nếu cần nhưng vẫn thiếu cơ chế khuyến khích, hoặc chí ít là điều kiện hỗ trợ" - ông Nguyễn Dũng nhận xét.

Lo vì quá nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin

Ý kiến của ông Nguyễn Dũng rất đáng lưu ý. Như nhiều phản ánh Hànộimới đã đề cập, nếu ví phòng chống tham nhũng như "kiềng 3 chân" gồm các cơ quan tiến hành tố tụng, các đơn vị, tổ chức liên quan và người dân thì việc người dân thờ ơ sẽ khiến "kiềng" không đứng vững. Tuy nhiên, quy định mức tiền lớn như một cơ chế ưu đãi cũng vẫn khó thu hút nhân dân mạnh dạn chống tham nhũng vì lý do muôn thuở - thủ tục rườm rà, cơ chế bảo vệ người tố cáo, người làm chứng còn chưa chặt chẽ.

Luật sư Cao Minh Việt (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, thể chế hóa chi tiết cách bảo vệ người tố cáo, người làm chứng, cơ quan chịu trách nhiệm với thời gian, lộ trình chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận thông tin, chưa cần biết đúng sai là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng. Vì thực ra, người tố cáo tham nhũng không phải vì tiền, vì thưởng vật chất, mà cái chính là vì đất nước hoặc do bức xúc trước hành vi tham nhũng chưa được xem xét, xử lý nên mới tố cáo.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong nhiều trường hợp, chưa biết nhận được tiền thưởng thế nào, nhưng có khi "chờ được vạ thì má đã sưng", nên không tránh khỏi tâm lý e ngại tố cáo. Đơn tố cáo tham nhũng không ít là đơn nặc danh, không rõ danh tính, địa chỉ người tố cáo cũng có nguyên nhân sâu sa từ nỗi sợ ấy. Thế nhưng, theo quy định hiện hành, đơn nặc danh thì không có cơ sở để xác minh. Vô hình trung các cơ quan chức năng đã mất đi một nguồn thông tin quan trọng để phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng.

Ở góc nhìn khác, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho biết, ở một số nước làm rất tốt việc này, ví dụ có vụ án nhân chứng cực kỳ quan trọng, thiếu thì vụ án bế tắc nên người ta phải bố trí nơi ở hàng tháng trời cho đến khi nào kết thúc vụ án. Việt Nam chưa có điều kiện đó nên khiến người dân chưa yên tâm. Vì vậy, không nên đặt ra quá nhiều đầu mối tiếp cận người tố cáo tham nhũng để hạn chế rò rỉ thông tin về người tố cáo tham nhũng, giúp họ tránh được những rủi ro trong quá trình phối hợp cùng cơ quan chức năng củng cố căn cứ, chứng cứ pháp lý để chống tham nhũng.

Một vấn đề nữa cũng không thể không xem xét cẩn trọng, ấy là đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai rất nhiều. Công bằng mà nói trong số này không ít đơn tố cáo sai, vừa sai vừa đúng. Nhưng nguồn nhân lực làm công tác tiếp dân, tuyên truyền phổ biến pháp luật, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai ở cấp xã vừa thiếu vừa yếu.

Đây chắc chắn là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng trả lời khiếu nại chậm chạp, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, quy trình xem xét khá lòng vòng với nhiều lần kính chuyển các cơ quan liên quan nhưng thời hạn xử lý cụ thể, tái khiếu kiện nhiều. Đó cũng là lý do khiến người dân trong một số trường hợp bức xúc, chán nản, chùn bước. Ước mong của họ là phải nâng cao chất lượng cán bộ tiếp dân, đồng thời có quy định cụ thể xử lý người tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo sai. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng cần tính đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mức thưởng cao chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.