(HNMO) – Trước những băn khoăn của dư luận về việc một loạt những cây xanh của Hà Nội sau khi chặt hạ, gỗ, củi được quy tập về đâu, quản lý thế nào, có thất thoát gì không? Chiều 23/3, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã tổ chức cho các nhà báo thị sát kho gỗ tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.
Trên đường Quốc lộ 32, chỉ rẽ vào một đoạn, ở khu vực đầu Cầu Diễn là tới vườn ươm kiêm bãi tập kết một số cây xanh của Hà Nội sau khi được chặt hạ. Khu vườn ươm kiêm bãi tập kết này được chia làm 3 khu vực rộng tới 17ha. Ông Đỗ Ngọc Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết: Trước khi bứng chuyển một cây xanh hay chặt hạ, đều phải có giấy phép của Sở Xây dựng. Quy trình thu hồi gỗ, củi của công ty được thực hiện từ trước tới nay đều rất bài bản và không có sự thất thoát với sự giám sát của nhiều bên gồm Ban quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị; Cán bộ Đội bảo vệ Phòng hành chính tổ chức; Cán bộ Phòng kế hoạch tổng hợp; Đại diện cán bộ Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây; Đại diện tổ đội thực hiện trực tiếp công tác cắt sửa.
Các thành phần trên xác định trực tiếp khối lượng thu hồi bằng thước đo đối với tất cả các khúc gỗ, củi (gỗ được quy định là các khúc có đường kính trung bình >= 20cm; còn lại nhỏ hơn là củi). Sau khi thống nhất khối lượng, các bên thống nhất lập biên bản xác định thu hồi tại hiện trường có ghi rõ ngày, tháng, năm; Vị trí cây gỗ tại địa điểm thu hồi; loại gỗ, củi (như xà cừ, muồng, chẹo, bằng lăng…); Tình trạng thân gỗ thu hồi (mục đầu, rỗng thân, mối mọt); Kích thước từng khúc gỗ. Đối với các khúc gỗ, củi bị mục nát, mối mọt không tiến hành thu hồi, các bên tiến hành chụp ảnh hiện trạng, làm biên bản thống nhất hủy. Đối với các cây là dâu da, vông, dướng, trứng cá, các cây không thuộc có đường kính <20cm không thực hiện thu hồi củi, gỗ.
Bãi tập kết gỗ của Công ty công viên cây xanh ở Cầu Diễn. |
Ông Hoàng cũng cho biết thêm, sau khi thu hồi sẽ tiến hành vận chuyển về tập kết tại bãi gỗ của công ty; có biên bản giao nhận với Thủ kho theo đúng nội dung đã thu hồi tại hiện trường; Thủ kho thống nhất ký vào biên bản giao nhận sau khi kiểm lại từng khúc gỗ, củi.
Về việc xử lý, thanh lý gỗ, củi, ông Hoàng nêu rõ: Trên cơ sở khối lượng củi, gỗ tại bãi gỗ, công ty tiến hành tổng hợp báo cáo Sở Tài chính về khối lượng chủng loại, kích thước và hiện trạng củi, gỗ thu hồi; Thực hiện công tác khảo giá thị trường làm cơ sở đấu thầu gỗ, củi. Thông qua công ty đấu giá độc lập, thực hiện bán đấu giá theo quy định của Nhà nước.
Hiện bãi gỗ của công ty còn một lượng gỗ, củi với nhiều khúc gỗ lớn chủ yếu từ các thân cây xà cừ cổ thụ lâu năm, các bộ rễ “khủng”, ngoài ra còn có các thân cây keo lá tràm, muồng… Các khúc gỗ này xếp chồng chất lên nhau, kéo dài khoảng 300 – 400m. Ông Hoàng cho biết, đây là lượng gỗ thu hồi được từ việc đốn hạ các cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi từ năm 2014 để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, một số mới thu hồi từ việc chặt hạ cây ở đường Nguyễn Chí Thanh và từ một số công trình khác nữa. Con số thống kê chính xác là ở đường Nguyễn Trãi đã chặt hạ 294 cây (trong đó có 95 cây xà cừ, còn lại là các loại khác); thu hồi được 186,932m3 gỗ xà cừ; 31,699 m3 gỗ khác và hơn 23m3 củi. Ở tuyến phố Huế - Hàng Bài đã chặt hạ 5 cây xà cừ, 48 cây các loại khác. Ở đường Nguyễn Chí Thanh đã chặt hạ 1 cây xà cừ và 98 cây các loại khác.
Ông Nguyễn Xuân Hanh – Giám đốc Xí nghiệp sản xuất cây xanh, cây hoa, cây cảnh cho biết: trung bình cứ một quý, xí nghiệp tiến hành đấu giá một lần. Giá cả cũng lên xuống tùy thuộc thị trường. Gỗ cây xà cừ dễ nứt nên cũng không có giá trị nhiều. Ngoài khu vực bãi gỗ, xí nghiệp dành phần lớn đất đai cho việc ươm cây, khu vực phục hồi các cây mới đánh chuyển về (như 128 cây sữa ở đường Nguyễn Chí Thanh đã được bứng về, ủ gốc, chăm sóc cho ra rễ); và ngoài là khu vực trồng các cây hoa làm đẹp mỹ quan đô thị.
Khi được hỏi, với kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây đô thị lâu năm, ông đánh giá như thế nào về việc cây vàng tâm hay như một số nhà khoa học cho rằng đó là cây mỡ trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh từ “rừng” về “phố” có chịu được thổ nhưỡng, bám rễ, ra tán nhanh không? Ông Hanh cho biết, đây là lần đầu tiên ông biết đến cây vàng tâm được trồng về phố, xí nghiệp chưa từng ươm loại cây này nên không biết!
Các cây hoa sữa được bứng chuyển ở đường Nguyễn Chí Thanh về phục hồi, ươm trồng. |
Nhiều cây ươm trồng trước đây đã ra lá. |
Tiền công chặt hạ cây xanh có thể lên đến hơn 20 triệu đồng/cây
Bên cạnh đó, trả lời về việc có cơ quan đại chúng đưa tin, việc chặt hạ, vận chuyển một cây xanh có thể lên tới 35 triệu đồng; ông Cao Quang Đại – Giám đốc Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây xanh cho biết: Xí nghiệp có 105 người chuyên thực hiện việc cắt hạ cây xanh. Tiền công thực hiện được thực hiện theo đơn giá 5875 của UBND TP Hà Nội. Xí nghiệp đã từng cắt cây xà cừ to nhất có đường kính 1,2m, đơn giá tiền công tính ra là hơn 20 triệu đồng. Công nhân xí nghiệp phải cắt hết phần lá cây, hạ chặt dần từng khúc, đánh gốc rồi vận chuyển vào bãi tập kết. Ngoài số công nhân chuyên nghiệp phải sử dụng các máy móc, thiết bị như cưa tay, cưa máy, cẩu tự hành, xe nâng người, xe chở... Đặc biệt, ở những khu vực ngõ ngách, cây đổ vào nhà, việc cắt, chuyển phải làm thủ công nhiều, rất mất thời gian, công sức.
Như vậy tiền công để chặt hạ một cây và trồng thêm cây mới (cây giống, công vận chuyển, trồng cây)… cũng lên đến hàng triệu, chục triệu đồng là số kinh phí không nhỏ.
Có thể thấy, với việc Hà Nội vừa tiến hành chặt hạ một loạt cây xanh để thay thế cây mới vừa qua (theo thống kê của Sở Xây dựng, từ cuối năm 2014 đến nay là 500 cây); có một phần do nhiều đơn vị tranh thủ tiết trời mùa xuân, cây dễ sinh sống nên mới có phần “ồ ạt”. Chủ trương của TP Hà Nội là chặt các cây sâu mọt, cong, gẫy gây mất an toàn và cây không đúng chủng loại đô thị là chủ trương đúng, vấn đề chỉ là ở các làm còn đơn giản, nóng vội. Cây đô thị theo Quyết định 4340 của UBND TP có 15 loài như: long não, sao đen, lát hoa, vàng anh, muồng, hoàng yến… Thực tế, cũng có cái khó cho cơ quan thực hiện, nếu thay xen kẽ, lác đác sẽ rất lâu mới có tuyến phố đồng bộ và đẹp; thay ồ ạt cả tuyến thì ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường vì phải chờ 5-10 năm cây mới có thể ra tán lớn. Việc thu hồi, đấu giá gỗ, củi cũng đã được các công ty như Công viên Cây xanh Hà Nội thực hiện nghiêm túc.
Qua sự kiện vừa qua, có thể coi là bài học đắt giá để TP khi quyết sách các vấn đề lớn, nhất là vấn đề liên quan đến môi sinh, môi trường cần được đánh giá kỹ, có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên môn, của cộng đồng dân cư… chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận cao để xây dựng Hà Nội thực sự thành TP “xanh, văn minh, văn hiến”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.