(HNMO) - Ngày 22-3, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ, chính sách liên quan đến người lao động”.
Tại chương trình giao lưu, người lao động đề nghị các chuyên gia về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội giải đáp nhiều nội dung liên quan đến chính sách tiền lương, thưởng, độ tuổi nghỉ hưu, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các quy định về tổ chức công đoàn ở cơ sở… Trong đó, nội dung nhiều người quan tâm là trách nhiệm, quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Về nội dung này, các chuyên gia cho biết, theo quy định hiện hành, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, không cần xin hay viết đơn đợi chủ sử dụng lao động ký duyệt, mà chỉ cần báo trước. Thời gian báo trước ít nhất 45 ngày đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn, báo trước 30 ngày đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng và báo trước 3 ngày đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 năm.
Trách nhiệm của người lao động là phải thông báo việc sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với người trực tiếp ký hợp đồng lao động đối với bản thân họ. Tuy nhiên, tùy vào nội quy lao động của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có thể phân cấp cho cấp dưới tiếp nhận và xử lý thông tin thông báo chấm dứt hợp đồng của người lao động.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi. Đó là trợ cấp thôi việc. Chế độ này được chi trả cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên. Nếu đủ điều kiện thì mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Cùng với đó, người lao động được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.
Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không qua 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thời hạn 14 ngày làm việc, chậm nhất là không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Mức trợ cấp căn cứ vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Do đó người lao động có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều lần nhưng tối đa cộng lại cho đến khi đủ tuổi hưu không quá 12 tháng/người.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội khi đã hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.