Tết trồng cây đã trở thành hoạt động thường lệ mỗi dịp xuân về. Cùng với việc vui đón Tết Nguyên đán, mỗi địa phương đều lo chuẩn bị Tết trồng cây.
Những năm qua, Tết trồng cây được các địa phương tổ chức ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn với xây dựng bộ mặt đô thị, nông thôn xanh, sạch, văn minh và hiện đại. Không chỉ dừng ở con số thống kê số lượng cây được trồng, tỷ lệ cây sống mà còn là những con đường hoa, đường cây, là những công viên, vườn hoa được cải tạo, hình thành sau đó, trở thành điểm đến, nơi sinh hoạt của cộng đồng. Vì thế, ý nghĩa, hiệu quả của Tết trồng cây càng cụ thể và gần hơn với mỗi người.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ngợi khen, song cây xanh đô thị ở Hà Nội vẫn còn nhiều điều phải bàn. Được coi là thành phố xanh nhưng tỷ lệ cây xanh bình quân tính trên đầu người còn rất thấp. Trong nội đô, diện tích đất dành cho công viên, vườn hoa gần như không còn, trong khi nhiều công viên lớn đã xuống cấp. Với những khu đô thị mới, công viên, vườn hoa chưa được phát triển tương xứng, thậm chí còn bị chủ đầu tư “bỏ quên” hay chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác từ khâu quy hoạch.
Hà Nội có nhiều cây xanh dọc tuyến đường, phố, nhưng ngoại trừ tuyến phố cũ hoặc mới được cải tạo, thành phố thiếu những đường cây được thiết kế đặc sắc, mang dấu ấn riêng. Cách đây ít năm, thành phố hình thành một số tuyến đường có hệ thống cây xanh thiết kế nhiều tầng, độc đáo và thu hút du khách khi đặt chân tới Thủ đô. Thành phố đã biến không ít dải phân cách bê tông xám xịt thành nơi xanh, sạch, đẹp, góp phần cải thiện vi khí hậu, giảm bụi và ô nhiễm không khí. Song gần đây dường như không có thêm tuyến đường, tuyến phố xanh nào như vậy nữa. Rồi đây đó vẫn còn hiện tượng cây đổ, cành gãy do không được chăm sóc, thậm chí là hành vi cố tình hủy hoại cây xanh vì mục đích riêng cần phải lên án và xử lý…
Mùa xuân là biểu tượng cho sự khởi đầu nên Tết trồng cây cũng gắn với mùa xuân. Năm nay, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Tết trồng cây, với mục tiêu, số lượng cây trồng cụ thể. Trên cơ sở đó, các địa phương, các ngành nên nghiên cứu, thiết kế, hình thành những dự án, tuyến phố, đường cây mới. Trồng cây xanh gắn với cải tạo, nâng cấp công viên, vườn hoa hiện có; ưu tiên lập dự án biến các khu đất xen kẹt, đất trống thành vườn hoa.
Về lâu dài, thành phố nên tiếp tục ưu tiên thu hồi diện tích đất sau khi di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô để lập dự án công viên, vườn hoa, công trình công cộng phục vụ nhân dân thay vì lập dự án nhà ở, khu đô thị. Rất nhiều bài học về quá tải hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông, thiếu công trình công cộng phục vụ cộng đồng… buộc chúng ta phải thay đổi tư duy và hành động quyết liệt.
Tết trồng cây đã trở thành truyền thống và truyền thống này cần tiếp tục được duy trì, lan tỏa sâu, rộng hơn đến từng người, từng nhà, biến ý nghĩa tốt đẹp của Tết trồng cây thành ý thức của mỗi người trong chăm sóc cây xanh, giữ gìn môi trường sống. Từng người, từng nhà cùng chung tay biến ban công nhà mình thành ban công xanh, biến con đường, góc phố nơi mình ở thành đường xanh. Mỗi người cùng chung tay trồng một cây xanh, cả thành phố sẽ có hàng triệu cây được trồng.
Tất cả cùng chung tay chăm sóc, gìn giữ cây xanh, thành phố sẽ có hệ thống cây xanh đa dạng, đẹp, khỏe mạnh, ngày càng phát triển. Hà Nội sẽ xanh hơn và đẹp hơn, ô nhiễm giảm thiểu và chất lượng không khí ngày càng tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.