Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua sắm trực tuyến vẫn cần cảnh giác phòng dịch

Lam Giang| 14/05/2021 10:05

(HNMO) - Dịch Covid-19 tái bùng phát, học sinh nghỉ học, người lớn tăng cường làm việc tại nhà, thời tiết chuyển nắng nóng gay gắt... khiến dịch vụ mua sắm đồ ăn, thực phẩm cũng như các sản phẩm chống nóng gia tăng mạnh. Trước diễn biến mới của dịch Covid-19 với nhiều biến chủng có sức lây lan nhanh, hơn lúc nào hết, việc phòng dịch, bảo đảm an toàn khi mua sắm đang được đặt ra cấp thiết.

Giao hàng cho khách đặt mua bún chả online.

Thực phẩm tươi sống, hàng chống nóng… hút khách mùa dịch

Những ngày qua, thay vì phục vụ thực khách trực tiếp tới nhà hàng ăn uống, anh Vũ Thanh Tuyền, nhân viên cửa hàng Bún chả Sinh Từ trên phố Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại rong ruổi trên nhiều con phố để giao hàng tới tận tay khách.

Chị Nguyễn Thị Giang, quản lý chuỗi cửa hàng Bún chả Sinh Từ cho biết, kể từ cuối tháng 4, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại đến nay, lượng khách tới ăn tại hệ thống cửa hàng Bún chả Sinh Từ giảm hẳn. Tuy nhiên, hệ thống vẫn duy trì hoạt động đều đặn bởi khách hàng đã chuyển sang đặt hàng qua mạng.

“Từ kinh nghiệm của các đợt dịch trước, chúng tôi đã nhanh chóng tập trung cho mảng bán hàng online, thông báo rộng rãi tới đông đảo khách hàng, vì thế, việc kinh doanh không gián đoạn. Hiện, mỗi ngày có gần 500 suất bún được bán qua mạng và điện thoại”, chị Giang nói.

Cửa hàng thực phẩm sạch tăng cường bán hàng trực tuyến.

Khi các nhà trường phải cho học sinh học trực tuyến tại nhà là lúc nhu cầu mua thực phẩm tươi sống của các gia đình tăng cao. Chị Lê Thị Thủy, quản lý cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm trên phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, 20% trong số 1,5 tạ thịt lợn, bò, gà, cá và hơn 2 tạ rau, củ, quả mà cửa hàng tiêu thụ mỗi ngày được bán qua điện thoại, Zalo.

“Không chỉ thêm nhiều khách hàng đặt mua qua mạng mà lượng hàng của mỗi khách đặt cũng tăng lên 20-30%, do đó, chúng tôi phải bố trí thêm đội ngũ nhân viên lên đơn và chuyển hàng tới tận tay khách”, chị Thủy cho biết thêm.

Theo đại diện các siêu thị VinMart, Co.opMart, Aeon…, những ngày qua, lượng đơn đặt hàng qua mạng, điện thoại tăng hơn hẳn so với các ngày trước. Với nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng mua sắm trực tuyến cùng chức năng "đi chợ hộ", đặt hàng trên ứng dụng, website hay giao hàng tiện lợi qua dịch vụ Now, Grabmart…, lượng người mua sắm qua mạng tại các hệ thống trên đều tăng 20-30%.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc cho biết: “Với các siêu thị, cửa hàng nằm tại nơi có giãn cách xã hội, lượng đơn hàng mua qua điện thoại, các ứng dụng đặt hàng online tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Đây là do tâm lý chung của người dân, hạn chế ra khỏi nhà để giảm thiểu lây nhiễm dịch bệnh”.

Siêu thị tăng cường quảng bá hình thức mua hàng online.

Những ngày dịch Covid-19 tái bùng phát vừa qua cũng trùng với đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay, nhu cầu mua sắm các thiết bị chống nóng cũng vì thế “tăng nhiệt”. Ghi nhận tại các siêu thị điện máy MediaMart, HC, Pico…, lượng người tới mua sắm khá thưa thớt, nhưng theo đại diện các siêu thị điện máy, số người chuyển sang tìm kiếm và mua hàng trên website tăng đáng kể. 

Bà Phạm Thị Thu Hà, đại diện siêu thị điện máy MediaMart cho biết, lượng người truy cập, mua hàng trực tuyến thông qua website, fanpage của MediaMart tăng 20-30%. Nhóm sản phẩm mùa vụ có sức mua tăng gồm điều hòa nhiệt độ, quạt gió, quạt hơi nước, máy ép trái cây...

An toàn là trên hết

Là người thường xuyên mua thực phẩm tươi sống qua mạng, song chị Trịnh Thanh Trà (ở Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn rất cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến. “Mua hàng online giúp tôi giảm việc tiếp xúc với nhiều người nhưng tôi yêu cầu bên giao hàng phải bảo đảm shipper thường xuyên khử khuẩn tay, đeo khẩu trang. Tôi cũng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và giảm tối đa giao tiếp để phòng dịch khi nhận hàng”, chị Thanh Trà chia sẻ.

Việc giao - nhận hàng phải bảo đảm an toàn nhằm phòng, tránh dịch bệnh.

Ý thức rõ những nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tiếp xúc với nhiều người, các đơn vị giao hàng cũng triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho đội ngũ nhân viên và khách hàng.

Bà Phùng Võ Hoàng Loan, Trưởng phòng Truyền thông và marketing Công ty cổ phần Delivery Technology (thường được biết đến với thương hiệu Công ty Ship 60) cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng đơn hàng tăng 50% so với tháng 4. Đội ngũ 150 shipper của công ty phải liên tục “ra đường”. Do đó, các yêu cầu phòng, chống dịch luôn được bộ phận kiểm soát chất lượng dịch vụ của công ty kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Theo bà Loan, hằng ngày, các nhân viên giao hàng đều phải khai báo y tế, nếu có biểu hiện bất thường, sẽ được cách ly, khám, chữa ngay lập tức.

Tương tự, chị Lê Thị Thủy, quản lý cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm trên phố Nguyễn Sơn cũng yêu cầu nhân viên giao hàng phải đeo khẩu trang, khi giao nhận hàng buộc phải sát trùng tay. Sau khi giao hàng cho khách xong cũng tiếp tục sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn mang theo.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với việc đẩy mạnh thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các sở công thương, các nhà phân phối  bảo đảm tốt công tác phòng dịch với hoạt động kinh doanh thương mại số, nhất là với những người trực tiếp phân phối hàng hóa, đội ngũ giao, nhận hàng....

Để chung tay xây dựng cộng đồng an toàn, người bán, người mua đều cần chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo thành thói quen, nếp sống. Đó cũng là cách để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp trước những xu hướng tiêu dùng mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua sắm trực tuyến vẫn cần cảnh giác phòng dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.