Thay vì
Ca sĩ Bảo Thy từng có ý định đưa một số ca khúc nhạc ngoại vào album đầu tay. |
Thay vì "sắm" cho mình một vài ca khúc độc quyền để thể hiện như các ca sĩ đàn anh, đàn chị đi trước thì nay, nhiều ca sĩ trẻ mua tác quyền ca khúc nhạc ngoại nhưng lại đặt lời hát Việt... ngô nghê.
Nhạc ngoại dễ mua hơn nhạc nội...
Hiện nay khá nhiều ca sĩ trẻ đang tự trang bị cho mình một vài ca khúc nhạc ngoại, lời Việt. Đi đầu trào lưu này là "công chúa bong bóng" Bảo Thy với những Button (Pussycat Dolls) được dịch là Lãng quên, The Show (Lenka), được đặt tên là Thiên thần trong truyện tranh... rồi Mây Trắng, Phi Nga, Wanbi Tuấn Anh, Noo Phước Thịnh...
Chuyện ca sĩ hiện nay sử dụng nhạc ngoại nhiều đến mức có một bầu sô tư vấn cho một ca sĩ trẻ mới vào nghề rằng: "Muốn nổi nhanh thì hát vài bài nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc gì đấy; ca sĩ giờ nhiều như vậy, các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác sao cho kịp". Quả thực, những ca khúc ngoại được các ca sĩ chọn để ghép lời Việt đều có giai điệu dễ nghe, mức độ phổ biến cao nhưng "soi" kỹ thì thấy lời ca từ khá... ngô nghê.
Những ca khúc Hàn Quốc, Trung Quốc mang lời Việt hiện được khá nhiều ca sĩ thể hiện, nhóm Mây Trắng có So Hot, Nobody... Minh Quân, Noo Phước Thịnh đều chọn ca khúc trong phim truyền hình đang ăn khách Boys over flower là Because I’m stupid (Bởi vì tôi là chàng ngốc), Thanh Thảo có Hollaback girl, Stronger, Lưu Hương Giang có Maria...
Hình thức đưa các ca khúc này đến với công chúng đều thông qua Internet và sau đó, đi diễn trên sân khấu chứ không phải bằng kênh phát hành chính thức như đưa vào album, đĩa đơn. Ca sĩ Bảo Thy từng có ý định phát hành một mini-album cho các ca khúc nhạc ngoại, lời Việt nhưng sau đó cô hủy bỏ vì cho rằng... thời điểm không phù hợp.
Khi gia nhập công ước Bern, tưởng việc mua nhạc ngoại sẽ rất khó khăn và nếu mua được, sẽ quảng cáo rầm rộ như trường hợp Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm... Theo Hồ Quỳnh Hương, trước kia để mua được Wild dances của Ruslana thì phải qua bao nhiêu khâu, liên hệ với đại diện ca sĩ bên Ukraina, viết mail trao đổi và làm thủ tục mua.
Nhưng Bảo Thy, Phi Nga mới trưng bằng chứng những ca khúc nhạc ngoại, lời Việt dễ mua tác quyền hơn cả, riêng phần giá phải trả do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, chi nhánh phía Nam cung cấp lại bị xóa mờ mờ....
Cũng từ sự việc này, có ý kiến cho rằng: "Giá các ca sĩ trả cho việc mua tác quyền ca khúc nước ngoài chỉ vài trăm nghìn, rẻ hơn nhạc nội nhiều. Vì muốn làm album thì mua tác quyền một ca khúc trong nước giá bét nhất đã 1 triệu đồng, độc quyền ít ra cũng 4 đến 5 triệu".
Ca sĩ Bảo Thy lý giải: "Tôi hát nhiều ca khúc nhạc ngoại, lời Việt và đó cũng là con đường tôi đến với khán giả. Phản đối hay ủng hộ đều tùy thuộc vào khán giả, còn chuyện tác quyền, tôi chấp hành đầy đủ nên mới được quyền hát trên các sân khấu".
... đến chuyện đặt lời Việt ngô nghê
Nếu nghe qua những ca khúc nhạc ngoại được đặt lời Việt, không ít khán giả phải buồn cười vì sự ngô nghê và dường như việc đặt lời chỉ làm sao cho đúng giai điệu chứ không mấy quan tâm đến nghĩa gốc.
Ví dụ như ca khúc So hot của nhóm nhạc nữ hàng đầu Hàn Quốc Wondergirls được ca sĩ Phi Nga (nay đổi tên thành Chương Đan) thể hiện thành... 7 lần yêu. Lí do để đặt tên là 7 lần yêu thì người ta đoán rằng, chắc bài hát chỉ cho phép... kể được 7 cuộc tình chứ nếu giai điệu bài hát gốc mà dài thêm tý nữa, hẳn 10 hay 15 lần yêu cũng chả hết.
Thanh Thảo, khi phát hành album Búp bê con trai cũng mạnh miệng tuyên bố mua những ca khúc nước ngoài nổi tiếng như Hollaback Girl, Stronger... Những siêu phẩm trong bảng xếp hạng BillBoard Top 100 bỗng chốc được truyền tai nhau bởi phần lời ca khúc nửa Anh, nửa Việt, nghe một lần không thể quên: "... and now ta cùng bên nhau, đã xa không còn chi mà, I don’t want to be a bad girl..." và thậm chí phần lời tiếng Việt nhưng lại bị hát cho "lai lai" Tây khiến nhiều khán giả chẳng nghe ra ca sĩ này đang hát gì.
Chuyện ca khúc nước ngoài, khi sang phiên bản Việt bị biến dạng hiện nay không phải ít. Ca khúc có cái tên khá sốc như Cá tháng 4, nghe một lúc mới nhận ra đây là ca khúc 4 minutes mà Madonna và Justin Timberlake trình bày. Hay như Siêu nhân bay, Đi qua mặt nhau là Haru Haru của nhóm nhạc Hàn, Big Bang cũng vậy.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, tác giả của ca khúc Nồng nàn Hà Nội cho biết: "Thời điểm này, nhạc ngoại lời Việt đúng là nhiều thật nhưng cái để người ta nhớ chỉ là giai điệu, vì giai điệu vốn sẵn đã hay rồi. Còn phần lời thì chưa thực sự được chú trọng, nếu không muốn nói là suồng sã..."
Mua nhạc ngoại rồi đặt lời Việt là việc bình thường nếu nhạc sĩ Việt không đủ sức "cày kéo" tác phẩm vào thời ca sĩ ngày một nhiều. Bản thân ca sĩ cũng ý thức được việc chấp hành đầy đủ quy định về tác quyền. Tuy nhiên, cách khai thác sao cho hợp lý, cụ thể hơn là Việt hóa ca từ và đáp ứng được tính thẩm mỹ trong ngôn ngữ Việt là vấn đề còn gây nhiều băn khoăn cho người nghe nhạc hôm nay.
Vĩnh Khang (VNN)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.