(HNMO) – Theo đại diện Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, trong mùa mưa năm nay với những trận mưa lớn hơn 100 mm, trên các đường phố Thủ đô vẫn còn tồn tại 23 điểm úng ngập cục bộ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
(HNMO) – Theo đại diện Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, dự báo thời tiết năm nay sẽ có diễn biến phức tạp với nhiều thay đổi bất thường, cực đoan hơn, trái quy luật và khó dự báo hơn so với năm trước.
Tại Hà Nội, mới đầu mùa mưa đã xuất hiện một số trận mưa rào và dông với lượng mưa trên 50mm, có nơi mưa trên 100mm (như các trận mưa rào vào các ngày 12, 13 và 16/5 vừa qua). Mưa lớn đã gây úng ngập cục bộ một số tuyến đường, lại xảy ra vào giờ tan tầm và đầu giờ sáng giờ đi làm nên đã gây ách tắc giao thông tại một số tuyến phố. Trên hệ thống sông Hồng đợt lũ tiểu mãn đã xuất hiện vào cuối tháng 5, trong khi dự báo bão lớn kèm theo mưa to có thể sẽ xuất hiện vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10/2011.
Thành phố hiện có 96 hồ chứa nước các loại (không kể hồ trong nội thành), trong đó 5 hồ có dung tích trên 10 triệu m3, còn lại là từ 2 đến 5 triệu m3 với nhiệm vụ cắt lũ và trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các hồ lớn tuy đã được tu bổ sửa chữa một số hạng mục chính như cống tưới, tàn xả lũ, thân, mặt, mái đập. Song tình trạng bồi lắng, lấn chiếm lòng hồ, sử dụng sai mục đích chưa được xử lý kịp thời đã làm giảm khả năng cắt lũ, ảnh hưởng tới việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất sinh hoạt.
Khu vực ngoại thành hiện có 436 trạm bơm tiêu với 1.951 máy bơm các loại; tổng công suất bơm khoảng 4 triệu m3/h, công suất động cơ lắp đặt khoảng 130.000 KW; 4.593 km kênh, mương tiêu các loại và hàng nghìn công trình trên kênh. Hệ thống công trình tiêu úng hiện có chỉ đảm bảo tiêu khi có mưa với cường độ từ 250 – 300 mm xảy ra trong 3 ngày. Dự báo trong mùa mưa năm nay với những trận mưa lớn hơn 100 mm, trên các đường phố còn tồn tại 23 điểm úng ngập cục bộ. Trong khi giải pháp chống úng ngập khu vực nội thành lại liên quan chặt chẽ đến việc vận hành kịp thời, có hiệu quả các trạm bơm Yên Sở I, II; các trạm bơm hỗ trợ như Đông Mỹ, Hòa Bình, Siêu Quần, Đồng Bông I, II… và việc điều tiết mực nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Có thể nói, nếu có các trận mưa lớn trên 300 mm trở lên kéo dài ngày (như đã xảy ra vào cuối năm 2008), khu vực nội thành Hà Nội vẫn có khả năng bị úng ngập lớn.
Các thông tin trên đã được đưa ra tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (24/5).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.