Công nghiệp văn hóa

Mùa lịch năm 2024: Nỗ lực giữ nét đẹp văn hóa

An Nhi 19/11/2023 - 06:49

Mùa lịch năm 2024 đang vào thời gian cao điểm trong việc tiêu thụ trên thị trường với màu đỏ đặc trưng của các mẫu lịch xuất hiện khắp các cửa hàng sách báo, nhà sách, trung tâm thương mại cũng như những kênh thương mại trực tuyến.

Đó là thành quả của các đơn vị xuất bản, in, phát hành để gìn giữ một nét đẹp văn hóa của người Việt khi bước sang một năm mới.

lich-24.jpg
Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đầu tư, thiết kế, sáng tạo bộ lịch bloc mới.

Ấn phẩm văn hóa đặc biệt

Từ năm 2022, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật nỗ lực đầu tư cho ra mắt các ấn phẩm lịch năm 2023 với chủ đề “Bảo vật quốc gia”, “Đất nước nhìn từ biển”... được công chúng quan tâm, đón nhận và đánh giá cao.

Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật Nguyễn Thái Bình cho biết: “Kể từ khi việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào tháng 11-2021, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã xác định cần có chiến lược, kế hoạch đầu tư nhiều hơn nữa vào các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là các ấn phẩm lịch mang ý nghĩa, giá trị và thẩm mỹ cao để đồng hành cùng công chúng trước mỗi thềm xuân mới”.

Mùa lịch năm 2024, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tiếp tục thiết kế, sáng tạo và vừa ra mắt 3 bộ lịch bloc đặc sắc và các lịch treo tường, lịch để bàn. Trong đó, bộ lịch bloc “Văn hiến ngàn năm” là sự kế thừa bộ lịch “Bảo vật quốc gia” mùa trước, nhưng được thiết kế mới và bổ sung 27 bảo vật quốc gia vừa được vinh danh đầu năm 2023.

Đơn vị này cũng tiếp tục xuất bản bộ lịch “Đất nước nhìn từ biển” quảng bá hình ảnh mới, ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp. Ấn phẩm lịch mới hoàn toàn, được đầu tư công phu nhất là bộ lịch bloc “Truyện Kiều” đưa kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du vào trong từng tờ lịch. Đáng chú ý, nhà xuất bản lựa chọn giới thiệu bản “Truyện Kiều” được chép tay bằng chữ Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, từng được bày bán ở một hiệu sách cổ tại Paris, sau đó được Thư viện Anh quốc sưu tập, nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894. Bên cạnh phần chữ Nôm, lịch có phần chữ quốc ngữ và tranh minh họa giàu tính nghệ thuật.

Năm nay, thương hiệu Lịch xuân Phương Nam (Công ty cổ phần Thương mại in Phương Nam) cho ra mắt bộ lịch “Việt Nam đất nước rồng bay”, “Việt Nam sức sống mới”, “Việt Nam chân trời mới”, “Việt Nam danh thắng” với những hình ảnh đẹp, tươi tắn, tràn đầy sức sống khắp mọi miền đất nước.

Ngoài ra, thương hiệu này còn có bộ lịch “365 ngày bình an” với nghệ thuật thư pháp Việt kết hợp hài hòa cùng bức tranh thủy mặc; bộ lịch “Nét đẹp quê hương” có những bức tranh màu nước đặt vẽ riêng rất nghệ thuật. Công ty TNHH An Hảo ra mắt bộ lịch “Vinh quang Việt Nam - Từ cội nguồn tới tương lai” ghi lại những dấu ấn vinh quang của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, bộ lịch “Việt Nam thịnh vượng” tôn vinh Việt Nam phát triển, vươn tầm thế giới; đồng thời duy trì những bộ lịch có chủ đề: “Thế giới màu xanh”, “365 cây thuốc và sức khỏe”... tích hợp nhiều thông tin bổ ích.

Tham quan các cửa hàng, nhà sách bày bán lịch năm 2024, ông Trần Đức Tâm (phường Xuân La, quận Tây Hồ) nhận định, mẫu mã lịch phong phú hơn, chứa đựng nhiều thông tin, câu chuyện văn hóa thể hiện với hình thức hấp dẫn, giá bán lại khá hợp lý.

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, không tránh khỏi sự chuyển hướng xem lịch của mọi người sang các thiết bị thông minh thay vì bản in.

Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, những cuốn lịch in của Việt Nam rất đặc biệt, vừa là phương tiện để xem ngày, tháng, vừa chuyển tải những giá trị văn hóa, lại là một tác phẩm nghệ thuật trang trí trong nhà hay món quà trao lời chúc tốt lành cho năm mới... vì vậy, vẫn là nhu cầu của nhiều người. Việc xuất bản lịch hiện nay không chỉ nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn có giá trị kinh tế và là một phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta.

“Các cơ quan quản lý văn hóa, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nên có tầm nhìn về kinh tế di sản để đầu tư, sáng tạo, mở rộng phát triển, đặc biệt là các ấn phẩm lịch”, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Dù gặp nhiều khó khăn do tính cạnh tranh cao, thị trường giấy, mực in, phụ kiện... đều tăng giá, nhưng các đơn vị xuất bản, in, phát hành lịch vẫn nỗ lực để điều tiết, tính toán đạt hiệu quả qua mỗi mùa lịch. Giám đốc điều hành thương hiệu Lịch xuân Phương Nam Đặng Thiên Thư cho biết, để chuẩn bị cho mùa lịch mới, ngay từ cuối năm trước, các bộ phận đã phải thiết kế sáng tạo, đặt hàng nguyên vật liệu. Việc in ấn khoảng 6 tháng trước khi phát hành.

“Người làm lịch phải luôn đổi mới trong chủ đề, thông điệp, thiết kế mẫu lịch mỗi năm sao cho thật đẹp, hay, ý nghĩa, gợi cảm xúc tích cực cho người dùng thì mới giữ được khách hàng”, bà Đặng Thiên Thư chia sẻ.

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ, với tư cách là một người tiêu dùng, ông rất ấn tượng khi được thưởng lãm thiết kế lịch đầy sáng tạo và ý nghĩa của các đơn vị. “Mùa lịch năm 2023, tôi đã giới thiệu và quảng bá một số mẫu lịch trên trang Facebook cá nhân và nhận được nhiều sự quan tâm, mong muốn sở hữu của khán giả. Năm nay, tôi sẽ tiếp tục kết nối để những ấn phẩm lịch mà mình thấy còn hay hơn, đẹp hơn đến với bạn bè, người thân và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Với tôi, đây là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét văn hóa Việt và sự sáng tạo đầy tài năng”, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa lịch năm 2024: Nỗ lực giữ nét đẹp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.