(HNM) - Theo dự báo, những ngày tới thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm kéo dài, hanh khô trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Thực hiện Chỉ thị của UBND TP Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa khô hanh, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã lên kế hoạch, phân công và giao nhiệm vụ canh trực 24/24 giờ, nhằm bảo đảm công tác phòng chống cháy rừng tại khu di tích chùa Hương mùa Lễ hội 2014.
Lễ hội chùa Hương là lễ hội kéo dài nhất của cả nước, thu hút hàng triệu lượt du khách thập phương trẩy hội mỗi năm. Hơn nữa, chùa Hương lại nằm gọn trong rừng đặc dụng Hương Sơn, nên công tác phòng chống cháy rừng mùa lễ hội cần đặc biệt được quan tâm.
Để công tác phòng chống cháy rừng mùa Lễ hội chùa Hương 2014 đạt kết quả tốt, UBND huyện Mỹ Đức đã yêu cầu Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2014 chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực lễ hội tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã bằng các hình thức như phát tờ rơi, đăng tải các bản tin trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các nhà hàng ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; bố trí các điểm để khách thập phương đốt nhang, hóa sớ tránh gây phát tán dẫn đến cháy rừng. Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quan sát tại các chòi canh rừng để phát hiện lửa, kịp thời thông báo để triển khai công tác chữa cháy nếu có hỏa hoạn xảy ra. Hiện các phương tiện, máy móc đã được bố trí, lực lượng cán bộ phối hợp đã sẵn sàng phục vụ cho mùa Lễ hội chùa Hương 2014 sắp diễn ra.
Ông Lê Quang Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, để chuẩn bị tốt cho Lễ hội chùa Hương 2014, chi cục đã làm việc với Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, quản lý kinh doanh giết mổ động vật hoang dã tại lễ hội năm nay. Tại buổi làm việc, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đề nghị Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức và Ban tổ chức lễ hội tổ chức ký cam kết đối với các nhà hàng, hộ kinh doanh ăn uống không giết mổ động vật hoang dã, buôn bán, trưng bày sản phẩm động, thực vật hoang dã. Ban tổ chức lễ hội cần đầu tư kinh phí và nhân lực, giảm nguy cơ gây cháy tại vị trí trên nóc động Hương Tích và điểm dưới ga số 3 cáp treo. Đáng lưu ý, lượng rác thải tại chùa Hương rất lớn, hầu hết được xử lý trong khu vực chùa, do đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã yêu cầu việc đốt rác tại khu vực chùa phải báo cáo với cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm sẽ bố trí nhân lực, máy móc nhằm kiểm soát tốt trong quá trình đốt, tránh không để tàn tro bay gây cháy rừng.
Rừng đặc dụng Hương Sơn là một trong những khu rừng có nhiều tài nguyên rừng cần được bảo vệ, đặc biệt là Khu di tích thắng cảnh chùa Hương. Ông Nguyễn Duy Giáp - Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn cho biết, định kỳ hằng tháng, hằng năm, Ban Quản lý đều điều tra đánh giá diễn biến tài nguyên rừng, chủ động xây dựng dự án, đề án quy hoạch; kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển rừng. Nhờ vậy, từ khi thành lập đến nay, 100% diện tích rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội được kiểm soát, trông nom, bảo vệ chặt chẽ.
Theo ông Nguyễn Duy Giáp - Giám đốc Rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội, rừng đặc dụng Hương Sơn có diện tích vùng lõi 3.760ha, vùng đệm 945ha; là danh lam thắng cảnh nổi tiếng quốc gia và quốc tế, có cảnh quan sinh thái tự nhiên xanh tươi hữu tình, kỳ thú. Thành phần thực vật ở đây có 917 loài, thuộc 597 chi của 192 họ, trong đó có 28 loài cây quý hiếm có tên trong sách đỏ. Hệ động vật rừng có 290 loài, 85 họ, 26 bộ, thì có 40 loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ. Rừng đặc dụng Hương Sơn gắn với quần thể di tích lịch sử chùa Hương. Vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng mùa lễ hội luôn được đề cao cảnh giác, bởi lượng du khách về trẩy hội lớn, có nhiều hành vi vứt những đồ vật dễ cháy bừa bãi; việc hóa vàng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.