Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Mùa kịch Lưu Quang Vũ'': Nhớ một người - nhớ một thời

An Định| 21/08/2022 06:35

(HNMCT) - Hà Nội có nhiều chuỗi sự kiện theo mùa, nhưng để có một mùa kịch mang tên một tác giả như “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” thì hiếm thấy. Vì vậy, sự kiện “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” mà Nhà hát Tuổi trẻ ấp ủ, khởi xướng trở thành một điểm nhấn thú vị cho đời sống sân khấu Thủ đô mỗi dịp thu về.

Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm”.

Mùa kịch Lưu Quang Vũ

Bắt đầu từ tháng 8, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến cho công chúng Thủ đô những vở diễn nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong sự kiện mang tên “Mùa kịch Lưu Quang Vũ”. Theo thông tin từ Nhà hát: “Đã là thông lệ, cứ vào dịp mùa thu, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân vợ chồng nghệ sĩ tài danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và trình diễn phục vụ khán giả một số vở diễn đặc sắc của ông”.

“Mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm nay gồm các vở kịch: “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Ông không phải là bố tôi”. Điều thú vị, ngoài những vở mới dựng, còn có cả những vở diễn đã được dàn dựng bởi các thế hệ đạo diễn của nhà hát, vừa cho thấy tính truyền thống, vừa cho thấy sự sáng tạo của lớp kế cận. Trong đó, vở “Lời thề thứ 9” được Lưu Quang Vũ viết năm 1986 đã được 2 thế hệ đạo diễn của Nhà hát dàn dựng.

Năm 1988, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu vở này với bản dựng của đạo diễn, NSND Xuân Huyền. NSƯT Chí Trung cùng các bạn diễn trong lứa diễn viên thuộc thế hệ vàng thời đó như NSƯT Đức Trung, NSND Anh Tú... tham gia biểu diễn. Năm 2012, tác phẩm được NSƯT Chí Trung phục dựng và trình diễn vào dịp mùa thu trong "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" của Nhà hát Tuổi trẻ.

Việc lựa chọn 4 vở kịch này cho “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm nay đã phần nào thể hiện được phong cách của nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ. Đó là sự đa dạng trong đề tài, bút pháp kịch. Nếu như “Lời thề thứ 9” là câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ; “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” là câu chuyện về tuổi trẻ, tình yêu; “Ông không phải là bố tôi” là bi kịch gia đình trong giông bão của những toan tính, lòng tham thì “Ai là thủ phạm” là vở diễn giàu màu sắc về đời sống thị dân trước những biến đổi thời cuộc.

Nhớ một người để nhớ một thời

Nhắc đến nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ, người ta nhớ ngay đến thời hoàng kim của sân khấu kịch nước nhà, nhớ đến những đêm diễn mà khán giả xếp hàng dài tới 2km để mua vé vào xem trong những năm tám mươi của thế kỷ trước. Và, nhiều năm qua, khi sân khấu rơi vào cảnh trầm lắng, nhiều vở chỉ "trụ rạp" được 1 - 2 đêm thì lạ thay, những sự kiện sân khấu gắn với tên tuổi Lưu Quang Vũ vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Năm 2013, Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ với sự tham gia của 12 đơn vị nghệ thuật diễn ra 7 ngày liên tục với 2 suất diễn/ngày, nhưng rạp Đại Nam, Tuổi Trẻ và Công Nhân luôn chật kín khán giả, người xem đứng tràn ra hai bên lối đi.

Năm 2018, cũng trong liên hoan kịch của cố tác giả này, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến, lúc đó là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã chia sẻ: “Mỗi đêm diễn kịch Lưu Quang Vũ, nhà hát vẫn bán được mấy chục triệu tiền vé”. Thậm chí, các sự kiện sân khấu có gắn với tên tuổi của ông, nhiều đơn vị tư nhân cũng muốn nhảy vào “bao thầu” vì không lo lỗ. Sức bền của tên tuổi nhà viết kịch lừng danh chính là động lực để các nhà hát vẫn liên tục dựng vở của ông, riêng Nhà hát Tuổi trẻ thì bền bỉ tạo lập “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” nhiều năm qua.

NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay: “Kể từ khi dàn dựng kịch bản đầu tay “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ năm 1980 (đạo diễn: NSND Phạm Thị Thành), Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật dàn dựng nhiều và thành công nhất kịch của Lưu Quang Vũ với những vở diễn đình đám: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”... trong đó có không ít vở được "phục dựng" và tiếp tục làm mê đắm người xem sau nhiều thập niên ra mắt như “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời thề thứ 9”, “Tin ở hoa hồng”... “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” diễn ra trong suốt tháng 8 và tháng 9-2022, một lần nữa mang đến cho khán giả cơ hội thưởng thức những tác phẩm để đời của Lưu Quang Vũ”.

Và có lẽ, ngoài tài năng, danh tiếng của nhà viết kịch, những cảm xúc từ ký ức vẫn là điều níu chân khán giả đến xem kịch Lưu Quang Vũ qua chừng ấy thời gian. Và khán giả Hà Nội xưa nay vẫn quen với tâm thức “mùa nào thức ấy”, sẽ lại có thêm một mùa để nhớ - mùa kịch Lưu Quang Vũ vào mỗi độ thu về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Mùa kịch Lưu Quang Vũ'': Nhớ một người - nhớ một thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.