(HNM) - * Anh Nguyễn Mạnh Dũng, phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội: Các điểm vui chơi công cộng đều xuống cấp Vợ chồng tôi có hai cháu nhỏ, đều trong độ tuổi tiểu học. Chuyển nhà đến phường Thanh Lương hơn 10 năm nay nhưng cả phường không có một khu sinh hoạt cộng đồng nói gì đến sân chơi dành cho trẻ, nên mọi hoạt động vui chơi của các cháu chỉ bó hẹp trong nhà, trên vỉa hè hoặc lối đi trong các ngõ nhỏ...
Vì bí chỗ chơi nên hằng ngày khi bố mẹ đến công sở, các cháu chỉ biết ngồi đọc những cuốn truyện tranh, xem tivi hoặc vùi đầu vào máy tính, vào các trò chơi game online. Các cháu thiếu hẳn tính năng động, vui tươi của lứa tuổi, xa rời các trò chơi dân gian truyền thống và rất ít khi vận động. Thương con, dịp cuối tuần, vợ chồng tôi thường tranh thủ thời gian đưa các cháu đến những điểm vui chơi trong thành phố, nhưng chỉ đi vài lần chúng đều tỏ ra không hào hứng bởi phần lớn các điểm vui chơi công cộng như Công viên Thống Nhất, Vườn thú Hà Nội, Vườn Bách thảo... đều trong tình cảnh cũ kỹ, xuống cấp với những trò chơi nhàm chán đã tồn tại trong mấy chục năm qua.
* Chị Lê Thanh Hoa, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội: Mỗi khu dân cư, khu đô thị cần có một điểm vui chơi, sinh hoạt hè cho các cháu...
Mỗi dịp hè đến, trong khi cậu con trai học lớp 2 mừng vui khôn xiết vì được nghỉ học, thì vợ chồng tôi lại đứng ngồi không yên. Phần vì không biết gửi ai trông con, phần vì lo làm sao để con có một điểm sinh hoạt hè an toàn và bổ ích. Nhà tôi gần Vườn thú Hà Nội, nhưng chúng tôi ít khi đưa cháu vào tham quan bởi cháu tỏ ra không hứng thú do các trò chơi không hấp dẫn, chuồng thú hôi hám, mất vệ sinh. Chưa kể cảnh tình tự của các đôi trai gái diễn ra công khai hằng ngày, rất phản cảm. Hè là khoảng thời gian rảnh rỗi duy nhất trong năm, muốn cho con học một môn năng khiếu nhưng các trung tâm hầu hết đều quá tải. Trường Thể thao Thanh, thiếu niên 10-10 chỉ tuyển sinh trong mấy ngày nhưng lượng người đến xếp hàng quá đông, chen chúc nhau vẫn không đến lượt. Cung Văn hóa Thiếu nhi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các cháu nhưng lại nằm quá xa nơi tôi ở và muốn đăng ký cũng phải "đặt chỗ" trước cả tháng trời. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi phải tìm đến các trung tâm gia sư để các cô vừa giúp ôn luyện kiến thức, vừa "giữ chân" trẻ trong khoảng thời gian bố mẹ vắng nhà... Giá như mỗi khu dân cư, khu đô thị có một điểm vui chơi, sinh hoạt hè cho các cháu thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng trẻ "nghiện" chơi game, chết đuối, tai nạn...
* Chị Trần Thị Nga, phường Trung Tự, quận Đống Đa: Khu vui chơi, nơi thì thiếu, nơi thì để lãng phí
Tại địa bàn nơi gia đình tôi đang sống có một sân chơi rộng rãi, hơn mười năm trước vẫn là địa điểm lý tưởng cho lũ trẻ mỗi khi hè về, đó là sân Con Voi. Sân có cầu trượt, đu quay, khu vực đánh cầu lông, nhảy dây... Nhưng nhiều năm gần đây, do không được đầu tư, cải tạo, sân đã xuống cấp nghiêm trọng. Cỏ mọc um tùm, thành nơi đổ rác, phế thải, súc vật phóng uế bừa bãi, cầu trượt nứt vỡ, đu quay rỉ sét, ghế đá cái còn cái mất, tường rêu loang lổ. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương lại có chủ trương biến nó thành một khu trung tâm thương mại. Do bị đa số nhân dân khu vực phản đối nên cho đến nay sân chơi vẫn tiếp tục bị bỏ hoang. "Mảnh đất vàng" ngay giữa khu dân cư đông đúc được người ta tận dụng làm bãi trông giữ xe, bán hàng giải khát, đồ hạ giá..., không còn chỗ cho trẻ con chơi. Như vậy, trong khi chúng ta luôn kêu rằng thành phố thiếu sân chơi cho trẻ em thì vẫn có những sân chơi bị bỏ hoang, lãng phí trong thời gian dài như sân Con Voi ở phường Trung Tự.
* Anh Nguyễn Đình, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín: Mùa hè là mùa thiếu an toàn cho trẻ con nông thôn
Có một nghịch lý là, ngay ở các vùng ngoại thành, khi quỹ đất công còn khá dồi dào thì trẻ em vẫn thiếu chỗ chơi. Một phần do quá trình đô thị hóa, bê tông hóa đang nuốt dần những diện tích đất lớn nhưng lý do quan trọng khác là sân chơi cho trẻ không hề được quan tâm, đầu tư. Thậm chí ở một số thôn, làng, sân đá bóng cũng bị đấu thầu để biến thành vườn cây, ao cá hay khu du lịch sinh thái. Nếu ở đâu đó còn sân chơi thì cũng chỉ đơn thuần là một mảnh đất trống, không được đầu tư trang thiết bị. Vì vậy, nghỉ hè, sau những khoảng thời gian giúp cha mẹ công việc đồng áng, lũ trẻ lại rủ nhau nhảy xuống tắm ở ao hồ, đá bóng trên quốc lộ, thả diều ở bờ đê hay tụ tập đánh khăng, đánh đáo ở ngã ba đầu làng... Tất cả những việc này đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như chết đuối, điện giật hay tai nạn giao thông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.