Trung tâm khí hậu Hoa Kỳ vừa đưa ra một nghiên cứu, trong đó có dự báo về mùa hè khắc nghiệt ở Hà Nội trong tương lai.
Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng kỉ lục trong vòng 45 năm qua với mức nhiệt cao nhất đo được là 42,5 độ C. |
Hà Nội vừa trải qua một đợt nóng nắng kỷ lục, nhiệt độ đo được cao nhất là 42,5 độ C tại Hà Đông – đây là mức nhiệt kỉ lục trong vòng 45 năm qua. Nắng nóng đã làm đảo lộn nghiêm trọng đời sống của người dân, thậm chí có người đã tử vong vì nắng nóng kèm theo đó là cháy rừng, mất điện, mất nước…
Nhưng rất có thể điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước vì mới đây, một số thông tin cho biết, Trung tâm khí hậu Hoa Kỳ đưa ra một nghiên cứu với tiêu đề "Sự dịch chuyển của các thành phố". Trong nghiên cứu có dự báo về mùa hè khắc nghiệt ở Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Hai kịch bản được đưa ra là, đến năm 2100, nếu giảm lượng phát thải khí nhà kính ở mức trung bình, mùa hè của Hà Nội sẽ gay gắt như New Delhi (Ấn Độ); còn nếu không giảm phát thải, Hà Nội có thể giống chảo lửa Faisalabad (Pakistan). Tại hai thành phố này, nhiệt độ kỷ lục đều trên 48 độ C. Cộng với hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nhiệt độ cảm nhận ngoài trời có thể lên tới 55 - 58 độ C.
Nếu kịch bản kia là sự thật thì rất có thể đó sẽ là thảm họa đối với người dân sống tại Hà Nội. Bởi cùng với mức nhiệt độ như vậy, hằng năm, có hàng trăm người chết do nắng nóng ở Faisalabad (Pakistan). Năm 2015 con số này lên tới hơn 1.500 người do nắng nóng dữ dội trùng đúng tháng Ramanda - tháng nhịn ăn, nhịn uống của người Hồi giáo.
Mùa hè tháng 4-2016, tại New Deihi của Ấn Độ, nắng nóng cũng đã khiến hơn 160 người thiệt mạng. Nắng nóng còn gây ra hạn hán nghiêm trọng, sông ngòi cạn khô, súc vật chết, đường tan chảy…
Nhiều người dân ở Hà Nội lo lắng, nếu kịch bản trên trở thành sự thật thì sẽ phải ứng phó như thế nào để thích nghi?
Về vấn đề này, chiều 7-6, ông Mai Văn Khiêm – Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho hay, đối với các dự báo xa thì chỉ đưa ra được khuynh hướng, xu thế là nhiệt độ sẽ tăng lên, cường độ càng mạnh lên chứ không ai có thể khẳng định được giá trị nhiệt độ cụ thể là bao nhiêu.
Theo ông Khiêm, trong đợt nắng nóng kỉ lục ở Hà Nội từ 1 đến 5-6 vừa qua, mức nhiệt đo được kỉ lục 42,5 độ C là đo tại lều khí tượng ở độ cao cách mặt đất 2 mét. Còn nếu đo ở sát mặt đường bê tông, mức nhiệt có thể lên đến 60-65 độ C.
“Không hiểu họ dựa vào cơ sở nào để đưa ra mức nhiệt độ 58 độ C và cũng không biết họ dự đoán mức nhiệt đó ở khoảng cách mặt đất bao nhiêu. Kể cả đó có là kịch bản thì cũng không thể khẳng định được con số cụ thể vì sai số có thể sẽ rất lớn”, ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cho biết thêm, hiện do biến đổi khí hậu nên nền nhiệt trong mùa hè sẽ cao lên. Khả năng nắng nóng sẽ diễn ra nhiều hơn và khắc nghiệt hơn. Để đưa ra các dự báo có xác suất chính xác thì khoảng cách sẽ chỉ khoảng 2-3 năm chứ không ai đưa ra được con số cụ thể cho mấy chục năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.