(HNMO) - Trong mùa đông, tình trạng bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn xảy ra với tần suất dày đặc tại các bệnh viện. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn xảy ra đột ngột ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em, thanh niên, thậm chí người cao tuổi.
Ngày 10-1, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trong 2 tuần gần đây, các bác sĩ Trung tâm Nam học của bệnh viện liên tiếp tiếp nhận và điều trị 7 trường hợp xoắn tinh hoàn, trong đó có 6 ca phải cắt tinh hoàn đều là bệnh nhân trẻ chưa lập gia đình, thậm chí có người còn đang điều trị vô sinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, trong mùa đông, xoắn tinh hoàn xảy ra với tần suất dày đặc. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn xảy ra đột ngột ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em, thanh niên, thậm chí người cao tuổi.
Trước đó, chỉ trong vòng một tuần sau khi trời trở rét, Khoa Nam học và y học giới tính của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã tiếp nhận 3 bệnh nhân còn rất trẻ, tuổi từ 13 đến 18 bị xoắn tinh hoàn. Điều đáng tiếc là cả 3 trường hợp đều tới bệnh viện rất muộn, dẫn tới tinh hoàn hoại tử, nên bác sĩ đã phải cắt bỏ.
Các bác sĩ cho biết, xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu mạch máu, còn được gọi là xoắn thừng tinh (mạch máu và ống dẫn tính) do sự quay của tinh hoàn dẫn tới kết quả thắt nghẹt nguồn máu nuôi tinh hoàn, từ đó gây ra các tổn thương và hoại tử.
Xoắn tinh hoàn phổ biến nhất ở độ tuổi từ 12 đến 18, chiếm khoảng 65%. Thế nhưng trên thực tế, xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhiều chuyên gia gọi xoắn tinh hoàn là “hội chứng mùa đông” bởi tình trạng này thường xảy ra trong thời tiết lạnh với nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp.
Ngoài nguyên nhân do nhiệt độ và độ ẩm kể trên thì các yếu tố làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn bao còn do tuổi tác và tiền sử bị xoắn tinh hoàn trước đó. Cụ thể, nếu nam giới từng bị xoắn tinh hoàn và tự khỏi mà không cần điều trị thì có khả năng sẽ tái lại một lần nữa ở một trong hai tinh hoàn, trừ khi can thiệp phẫu thuật có thể khắc phục vấn đề cơ bản.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, xoắn tinh hoàn không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về chức năng sinh sản, rối loạn về nội tiết mà còn gây ra những rối loạn tâm lý đối với người bệnh. Bệnh nhân thường thấy mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Thông thường, bác sĩ sẽ phải đặt tinh hoàn nhân tạo với mục đích thẩm mỹ, tuy nhiên không có chức năng về mặt nội tiết và chức năng sinh sản.
“Những trường hợp xoắn tinh hoàn có những dấu hiệu như: Đau đột ngột dữ dội vùng bìu, nôn, buồn nôn, tinh hoàn treo lên cao. Xoắn tinh hoàn hay bị nhầm lẫn với viêm tinh hoàn, do đó làm chậm trễ quá trình điều trị, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở, mất đi “thời gian vàng” để cứu lấy tinh hoàn. Đây là một trong những cấp cứu ngoại khoa cần chẩn đoán và xử lý sớm nên các bạn trẻ cần để ý để đến bệnh viện kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Duy Khánh lưu ý.
Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để thăm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng và hậu quả đáng tiếc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.