(HNMO) - Có ý kiến cho rằng, khu vực nội thành Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan, cường suất lớn trong thời gian ngắn gây ra tình trạng úng ngập. Liên quan việc này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi nhanh với Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) Nguyễn Văn Hưởng.
- Tối 5-7, Hà Nội mưa rất to. Ông đánh giá như thế nào về trận mưa này?
- Trận mưa tối 5-7 diễn ra diện rộng, với lượng mưa khá lớn. Lượng mưa đo được tại các trạm khí tượng: Ba Vì 47mm, Sơn Tây 54mm, Hoài Đức 162mm, Láng 91mm, Hà Đông 85mm. Theo thống kê, với lượng mưa này, chưa nơi nào đạt ngưỡng vượt giá trị lịch sử từng quan trắc được tại các trạm trên. Theo số liệu vệ tinh khí tượng và ra-đa thời tiết trong chiều và tối 5-7 thì vùng mưa lớn nhất phân bố ở phía Bắc khu vực nội thành Hà Nội và ước lượng mưa vào khoảng 200mm.
- Ông có thể lý giải vì sao khu vực nội thành có xu hướng xuất hiện nhiều trận mưa to hơn khu vực ngoại thành?
- Chưa có đủ minh chứng số liệu để khẳng định như vậy. Thực tế, các trận mưa vừa qua ở khu vực ngoại thành và lân cận như: Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì... còn lớn hơn ở khu vực nội thành. Ví dụ như trận mưa ngày 5-7, tại trạm Hoài Đức là 162mm, trong khi trạm Láng là 91mm, Hà Đông là 85mm.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, có mối quan hệ nhất định giữa quá trình đô thị hóa và gia tăng mưa lớn ở đô thị. Các đô thị bề mặt bị đốt nóng mạnh hơn nên khí quyển cũng bất ổn định hơn, mây đối lưu phát triển mạnh hơn. Còn về tác động của biến đổi khí hậu thì đánh giá chung cho thấy, mưa cực đoan với cường suất lớn sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.
- Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có điểm đo mưa trùng với của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội không, thưa ông?
- Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn nói chung, mạng lưới quan trắc đo mưa tự động của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ trực thuộc mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, được quy hoạch, xây dựng và vận hành theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia, của ngành khí tượng thủy văn.
Mạng lưới quan trắc mưa của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội thuộc mạng lưới quan trắc chuyên dùng của thành phố Hà Nội và phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội. Mạng lưới này được bố trí đan xen với mạng lưới quan trắc mưa quốc gia theo nguyên tắc không trùng lặp và bảo đảm tăng mật độ quan trắc mưa theo không gian. Theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn, các trang thiết bị quan trắc cần được kiểm định để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật mới được thực hiện quan trắc.
- Việc dự báo định lượng mưa có khó không, thưa ông?
- Khác với nhiệt độ, mưa là một trường không liên tục, không đồng nhất, phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động khác nhau trong tất cả vòng đời của một trận mưa, từ quá trình hội tụ ẩm, bốc hơi, ngưng kết đến khi rơi xuống mặt đất. Vì vậy, có thể chỉ cách nhau một vài kilômét, nhưng lượng mưa chênh tới 3-5 lần.
Vì vậy, dự báo mưa luôn là bài toán khó đối với tất cả cơ quan khí tượng trên thế giới, nhất là dự báo hạn dài. Ngay cả với cơ quan khí tượng Nhật Bản, chỉ trước 24 giờ khi bão vào thì mới đưa ra dự báo lượng mưa cụ thể để tính toán tác động của ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
- Xin ông cho biết, những ngày tới, dự báo khu vực nội thành Hà Nội sẽ có phải hứng chịu những trận mưa rất to hay không?
- Miền Bắc nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng đang trong giai đoạn mùa mưa của năm nên sẽ còn xuất hiện nhiều ngày có mưa vừa, mưa to và dông trên diện rộng. Những đợt, trận mưa lớn như ngày 5-7 có thể còn lặp lại trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.