Hiện nay đã xuất hiện những hình thức mới trong việc mua bán dữ liệu cá nhân như sử dụng chatbot, thực hiện qua các kênh, tài khoản trên mạng xã hội và các đối tượng còn bán lẻ từng dữ liệu cá nhân cụ thể.
Thông tin trên đã được đại diện Cục An toàn thông tin đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, nếu ở giai đoạn trước đây, việc mua bán dữ liệu chỉ thực hiện trong những hội nhóm kín trên mạng xã hội; khi có người mới gia nhập nhóm phải được các thành viên ở trong hội nhóm giới thiệu; mua bán dữ liệu thường có số lượng lớn; thì hiện nay, đã xuất hiện những hình thức mới, sử dụng chatbot, thực hiện qua các kênh, tài khoản trên mạng xã hội, các đối tượng còn bán lẻ từng dữ liệu cá nhân cụ thể. Thực tế này cho thấy hoạt động mua bán dữ liệu đã trở nên rất phổ biến, công khai và có nhiều nguy cơ mới.
Về nguyên nhân của tình trạng lộ lọt dữ liệu, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, bắt nguồn từ nhận thức về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân còn thấp; chủ thể thông tin bất cẩn, cung cấp thông tin tùy tiện, đặc biệt trên mạng xã hội. Tổ chức, doanh nghiệp thu thập nhiều, nhưng không bảo vệ an toàn, chia sẻ trái phép cho bên thứ ba; lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu. Lừa đảo trực tuyến để thu thập thông tin cá nhân…
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng với việc hỗ trợ các ngành trong quản lý dữ liệu cá nhân, Bộ đã, đang triển khai một số giải pháp, như: Chỉ đạo các cơ quan thuộc lĩnh vực quản lý tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật để bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân. Hướng dẫn các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin chứa dữ liệu cá nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thực hiện kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực do bộ quản lý, trong đó tập trung vào các đơn vị thu thập, xử lý số lượng lớn thông tin cá nhân như mạng xã hội, doanh nghiệp viễn thông, bưu chính, các nền tảng số nhiều người dùng.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam để cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời.
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và sử dụng các công cụ, phản ánh để bảo vệ thông tin cá nhân. Thúc đẩy triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng tại địa chỉ tinnhiemmang.vn để đánh giá, xác nhận website bảo đảm an toàn thông tin mạng, trong đó có bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Được biết, đến nay nền tảng Tín nhiệm mạng do Bộ quản lý đã có 212 triệu lượt người tiếp cận; tiếp nhận khoảng 508 triệu truy vấn; lượng băng thông tiếp nhận khoảng 11TB; trung bình hằng ngày có khoảng 1,3 triệu lượt người tiếp cận (tương ứng với khoảng 15 người tiếp cận/giây), tiếp nhận, xử lý khoảng 3,1 triệu yêu cầu/ngày (khoảng 35 yêu cầu/giây).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.