Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mozart, thiên tài không có tuổi

HA OANH| 27/01/2006 11:39

Cuộc sống của ông chỉ có 35 năm ít ỏi, nhưng âm nhạc của ông như những tảng đá không bao giờ bám rêu. 250 năm nay nó vẫn là viên ngọc vô giá của kho tàng âm nhạc nhân loại.

Mozart, thiên tài không có tuổi

Cuộc sống của ông chỉ có 35 năm ít ỏi, nhưng âm nhạc của ông như những tảng đá không bao giờ bám rêu. 250 năm nay nó vẫn là viên ngọc vô giá của kho tàng âm nhạc nhân loại.

Mozart là đại diện chuẩn mực của thời kỳ cổ điển (1750-1820) vốn được bao quanh bởi nhiều cái tên thiên tài: Ludwig van Beethoven, Franz Joseph Haydn, Gioacchino Rossini... Trước ông, âm nhạc Baroque với Antonio Vilvadi, Johann Sebastian Bach làm tiêu biểu với trường phái âm nhạc quý phái, hoa mỹ, lấy độ tương phản, to nhỏ đột ngột đối âm, phức điệu, làm cảm hứng. Sau ông, trường phái Lãng mạn với một loạt các anh hùng như Brahms, Wagner, Tchaikovsky hay Chopin vốn mê say tốc độ và cường độ, đa dạng hoá âm thanh, đem tính cá nhân lên làm chủ đạo. Nhưng với Mozart - Cổ điển, âm nhạc thời kỳ này vẫn lung linh sự hoa mỹ, quý phái, vẫn có tính cá nhân làm chủ đạo nhưng mọi thứ hài hoà và không qua cầu kỳ.

Về Mozart, Shostakovich đã từng nói: "Mozart - đó là tuổi thanh xuân của âm nhạc, là nguồn sống khi xuân về và là sự hài hòa của tâm hồn". Còn từ điển Larousse của người Pháp cô đọng ông vỏn vẹn trong câu: "Mozart luôn tìm kiếm sự thanh khiết, nét tao nhã và biết đạt tới vẻ đẹp cao cả xuyên qua sự đơn sơ và nét duyên dáng"... Từ khi âm nhạc của Mozart lấp lánh và rơi vào kho tàng âm nhạc nhân loại, những nhận xét này chưa bao giờ bị biến hình.

Tuổi nhỏ tài cao

Mozart tên đầy đủ là Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27 tháng 1 năm 1756, tại Salzburg (Áo ngày nay). Cha ông là Leopol Mozart, một giáo viên và cũng là một nhà chơi đàn violon nổi tiếng trong dàn nhạc quý tộc ở Salzburg. Mẹ và chị gái của Mozart đều là những nhạc công giỏi. Khi mới hai tuổi nghe mẹ đánh đàn, Mozart đă có thể đánh lại ngay được bản nhạc ấy. Nhận thấy con trai mình là một tài năng thiên bẩm, ông Leopol quyết định chỉ dạy Mozart đến với âm nhạc và cậu được "quyền" không cần phải cắp sách đến trường.

Mozart không thèm chơi những trò chơi trẻ con bình thường, trừ phi có liên quan tới âm nhạc. Cậu bắt đầu soạn nhạc cho đàn phím từ lúc bốn hoặc năm tuổi, viết những bản nhạc hòa tấu khi cậu lên sáu. Những bản sonate cho đàn vĩ cầm được xuất bản khi cậu lên tám.

Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, tác phẩm bất hủ của âm nhạc hàn lâm nghe đồn được Mozart sáng tác năm lên... 6. Khó có thể tưởng tượng được rằng ở tuổi đó một cậu bé có thể phát triển một tác phẩm trúc trắc với gia điệu lúc dịu êm như một dòng suối chảy nhưng cũng có lúc mãnh liệt như bước đi của một đoàn quân. Sau này một vị vua muốn thử chất thần đồng của Mozart đã quăng một chiếc thìa xuống sân và hỏi cậu âm thanh của chiếc thìa đó là nốt gì, không nghĩ ngợi Mozart đáp "Nốt la", ngay lập tức chiếc đàn được đem ra kiểm chứng và kết quả chính xác đến kinh ngạc. Lúc đó, Mozart mới chỉ có 8 tuổi.

Thật ra có thể nói rằng Mozart đã khởi đầu sự nghiệp âm nhạc trước thời gian cậu lên 5 và tiếp diễn cho đến ngày qua đời, ngót hơn ba mươi năm âm nhạc. Nữ hoàng Teresa ở thành Vienne ca ngợi: “Đây thực sự là một hiện tượng siêu phàm”. Nhà vua Joseph trước khi chết đă mời Mozart đánh đàn cho nghe lần cuối và phải thốt lên: “Ta có tất cả, quyền lực, triều đình, quân đội, đất đai. Còn anh, anh chỉ có cái đầu và đôi tay như bao người khác. Nhưng biết đâu ở thế kỷ sau, dân tộc Áo sẽ đánh giá anh hơn cả ta”.

Ngay từ niên thiếu, Mozart đã đi du lịch nhiều nơi, rảo quanh khắp Châu Âu, qua các thành phố lớn: Vienne, Munich, Paris, London, Bỉ, Hà Lan và Ý. Càng du lịch thì sự cảm âm và tài năng âm nhạc của Mozart càng được phát triển. 6 tuổi, Mozart viết nhạc cho đàn phím, 7 tuổi cậu cậu soạn nhạc cho vĩ cầm, biểu diễn nhạc trong các cung đình danh giá khắp Châu âu... một năng lực chỉ có những người tốt nghiệp trường nhạc mới có thể làm nên chuyện.

Tại London, 9 tuổi Mozart gặp Johann Christian Bach, con trai của thiên tài Johann Sebastian Bach. Christian bị Mozart gây ấn tượng và ông đã trở thành người dẫn dắt nhạc sĩ Mozart trẻ và quan tâm theo dõi sự nghiệp của cậu. Trở về nước, Mozart nghiên cứu tổng phổ âm nhạc của J. C. Bach và ảnh hưởng của Bach được phản chiếu trong tác phẩm của Mozart vào thời gian ấy.

Thiên tài nhưng không có sao chiếu mệnh

Sau những chuyến lưu diễn gây sốt khắp Châu âu và sau những truyền thuyết về một cậu bé nhỏ tuổi tài cao thì phải đến năm 18 tuổi Mozart mới thật sự toả sáng về chiều sâu sáng tác và những tác phẩm đồ sộ.

Cả cuộc đời mình Mozart sáng tác một số lượng tác phẩm khổng lồ: 41 giao hưởng, 23 nhạc kịch, 25 bản concerto cho piano, 7 concerto cho violon, 17 sonata cho piano, 42 sonata violon, 15 mexa, hàng trăm bản nhạc thính phòng và ca khúc, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: sonata piano A dur, concertos piano d moll, bản giao hưởng số 39, 40, 41. Ngoài ra còn có nhiều ca khúc, nhiều bản song, tam, tứ, tấu, một số thanh xướng kịch trong đó nổi tiếng là tác phẩm "Cầu hồn" (Requiem).

Trong toàn bộ di sản sáng tác của Mozart, nhạc kịch chiếm vị trí đặc biệt như: The Marriage of Figaro ( Ðám cưới Figaro), The Magic Flute (Cây sáo thần). Trong nhạc kịch Mozart rất quan tâm xây dựng các chủ đề âm nhạc hợp với các cá tính của từng nhân vật. Mozart thể hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của một con người đã chứng kiến những sự kiện lớn lao của thời đại mình.

Đức Tổng giám mục Colloredo tại Salzburg đã chấp nhận Mozart như một nhạc trưởng. Tại Ý, Mozart được phong Viện sỹ Hàn Lâm khi mới 14 tuổi. Hai cha con Mozart đã thực hiện ba chuyến viễn du sang Ý để công diễn, họ đã được công nhận và gây được sự chú ý đến sự nghiệp của cậu trong giới quý tộc ở đó. Tại Milan, Mozart được ủy nhiệm để viết vở opera Mitridate do chính Mozart chỉ huy. Vở diễn này đã được tán thưởng nồng nhiệt. Trở về Salzburg, Mozart biên soạn một loạt Giao hưởng và nhạc phụng tự cho Giáo hội.

Tuy nhiên cuộc sống không không chỉ toàn tiếng vỗ tay và hoa hồng khen tặng. Cuộc đời sau này của Mozart gặp rất nhiều trúc trắc kể những sáng tác vĩ đại của ông cũng sau này mới được nhìn nhận một cách khách quan.

Cuộc đời của ông phiêu bạt sang nhiều nơi và những tác phẩm của ông cũng vì thế ít khi nào giữ được một phong cách nhất định. Về Áo, đời sống khó khăn cũng như sự hợp tác với Đức Tổng giám mục Colloredo không thậun chéo thì là Mozart sang Đức sinh sống và biểu diễn. Nhưng ở Đức, tâm hồn Mozart lại không được bay bổng thế là chàng lại quay sang Paris sau khi có một tình yêu để đời với nàng tiểu thư Aloysia Weber.

Tại Paris, Mozart biên soạn giáo trình âm nhạc, tiếp xúc các nhà xuất bản, viết bất cứ cái gì anh có thể bán hoặc trình diễn - những bản sonate cho đàn violin và đàn phím, một concerto cho sáo và thụ cầm, những bản biến tấu đàn phím, và giao hưởng Paris của anh. Nhưng thành phố này tỏ ra là sự chán nản khác. Mozart tiếp tục đánh vật với khoản tài chính eo hẹp và lại bị đè nặng thêm bằng cái chết của người mẹ. Buồn bã và miễn cưỡng, anh trở về Salzburg quê cha, mang theo nợ nần, nhưng tin tưởng rằng viễn cảnh của mình sẽ sáng sủa hơn. Lúc này người yêu của anh, tiểu thư Aloysia, đã chuyển đi với gia đình tới Vienne, nơi mà cha mẹ muốn cô kết hôn với một diễn viên kiêm họa sĩ tài tử, Joseph Lange.

Một thời gian sau (1785), Mozart chợt thành công vang dội trở lại sau vở The Marriage of Figaro (Đám cưới Figaro). 2 năm sau ông tiếp tục hợp tác với văn hào Lorenzo da Ponte để hoàn thành vở nhạc kịch vĩ đại không kém, Don Giovanni. Đa số mọi người khen ngợi, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc của ông ngày càng khó tiếp cận hơn. Phong thái âm nhạc nhẹ nhàng trước đây của ông đang biến mất dần, nhạc công và thính giả có nhiều lời than phiền là ngày càng khó cảm thụ hơn.

Mười năm cuối đời của Mozart là một thời kỳ dài của cả sự đau khổ do tài chính kiệt quệ, lẫn sức mạnh sáng tạo khác thường. Ba bản symphony cuối cùng, được viết trong vòng sáu tuần lễ vào năm 1788 đã không bao giờ được trình tấu lúc ông sinh thời. Tổng cộng, những năm này ông đã sáng tác những hơn hai trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau.

Năm 1791 Mozart gặp khó khăn trong việc soạn nhạc cho vở opera The Magic Flute (Cây sáo thần) khi hợp tác với văn hào Emanuel Schikaneder.

Có một giai thoại cho rằng tác phẩm cuối đời của ông (và cũng là tác phẩm kinh điển), Requiem đã ra đời (cho dù chưa thật sự đầy đủ) sau khi một nhân vật lạ mặt đến đặt hàng. Vào một đęm trời tối đầy sấm sét, băo giông, có một người lạ khoác áo choàng đen, bịt gần kín mặt tới gő cửa nhà Mozart đặt ông ông viwết một bản "Cầu hồn" dài 12 chương với giá 50 duca. Trong khi đó, sức khỏe của Mozart rất yếu do bấy lâu lao động quá mức. Vợ ông lại đang bệnh nặng không có tiền mua thuốc, nợ nần chồng chất. Mozart nhận lời và ông ngày đêm miệt mài sáng tác. Lúc nào bên tai cũng cảm thấy như có tiếng gọi của thần Chết, vì bóng hình của người lạ mặt choàng áo đen thúc giục. Ông viết được 8 chương thì sức khỏe xuống trầm trọng. Bốn chương còn lại, Mozart chỉ phác thảo giai điệu và nhờ một người học trò xuất sắc là Dumayer viết tiếp. Sau khi Mozart qua đời ngày 5-12-1791, chờ măi không thấy con người bí ẩn kia tới lấy bản nhạc, người học trò trao lại bản nhạc cho vợ Mozart và kể lại tất cả câu chuyện. Cho đến nay “Cầu hồn” vẫn là kiệt tác trong nền âm nhạc thế giới. Đó là bản nhạc cuối cùng của nhạc sĩ thiên tài Mozart. Ông viết cho người mà cũng là viết cho chính ông vậy. Tuy gọi là nhạc “cầu hồn”, nhưng giai điệu của nó vẫn toát lên một tình yêu cuộc sống, yêu con người rất bi thiết, mănh liệt.

Kiệt sức vì suy thận, Mozart mất ngày 5 tháng 12 năm 1791, khi ấy mới 35 tuổi. Lệ phí ma chay gia đình không lo nổi, phải nhờ cậy vào chuyện quyên góp. Đám ma ông nghèo nàn buồn tẻ. Ngó chừng trời cũng buồn theo, nên mưa rơi thảm thiết ngày tang lễ, thi hài được chuyên chở không có người đưa tiễn tới một đất thánh bên ngoài cổng thành phố, trong phần mộ của người nghèo vô danh, Mozart yên giấc ngàn thu.

Theo VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mozart, thiên tài không có tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.