Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một việc nên làm

Thanh Hiệp| 24/07/2012 07:56

LTS: Năm nay, ông Thanh Hiệp, cựu chiến binh ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội đã ngoài 80 tuổi. Suốt 7 năm qua, hằng tháng ông lại đôi lần xách túi, đội mũ, đi xe ôm đến Tòa soạn Báo Hànộimới để ủng hộ những người nghèo khó bằng đồng lương hưu của mình.

LTS: Năm nay, ông Thanh Hiệp, cựu chiến binh ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội đã ngoài 80 tuổi. Suốt 7 năm qua, hằng tháng ông lại đôi lần xách túi, đội mũ, đi xe ôm đến Tòa soạn Báo Hànộimới để ủng hộ những người nghèo khó bằng đồng lương hưu của mình. Ông luôn trăn trở làm thế nào để giúp được nhiều hơn nữa những mảnh đời không may mắn. Báo Hànộimới xin đăng những ý kiến của ông về vấn đề này.

Thời gian vừa qua, tôi đọc báo hằng ngày và báo tuần của ta, thấy có một số trường hợp rất đáng thương cần giúp đỡ (nhà cửa dột nát, ốm đau bệnh tật, kinh tế khó khăn, không có nguồn thu nhập...). Các phóng viên phát hiện và đưa lên báo, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Có nhiều người đã gửi tiền qua báo hoặc trực tiếp tới các gia đình khó khăn để giúp đỡ. Về vấn đề này tôi có một vài suy nghĩ như sau.

Mỗi địa phương (phường, xã, thị trấn...) thường chỉ có một vài trường hợp được nêu lên báo để kêu gọi giúp đỡ. Giá như chính quyền và đoàn thể địa phương đó khi thấy báo nêu (hoặc tự mình phát hiện được) thì tới thăm hỏi và bàn cách vận động bà con trong thôn, xóm tích cực giúp đỡ để giải quyết một cách căn bản những trường hợp đó thì tốt biết bao.

Cách đây mấy năm, có một chuyện như sau: Một cựu chiến binh thời chống Pháp, sau khi xuất ngũ đi làm công nhân, bị ốm đau trở về địa phương. Ông này không có vợ con, không nhà cửa, giấy tờ bị mất hết nên không được hưởng chế độ gì cả. Địa phương đã giải quyết cho một suất trợ cấp tối thiểu. Ông sống vất vưởng trong túp lều dựng tạm dựa vào bức tường sau ngôi chùa của làng. Mỗi ngày, ông ăn một gói mỳ tôm (chia làm hai bữa) vì tiền trợ cấp của địa phương chỉ đủ như vậy thôi. Một phóng viên của Báo Lao Động đi qua địa phương, phát hiện trường hợp này, hỏi rõ tên đơn vị cũ của ông rồi đưa lên báo. Các bạn chiến đấu cũ của cựu chiến binh này biết tin đã góp tiền và cử người về tận địa phương để trao tiền. Một cựu chiến binh khác ở cùng địa phương đã phối hợp và có sáng kiến mời Chủ tịch UBND và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cùng đi trao tiền giúp đỡ. Sau hôm đó, chính quyền và Hội Cựu chiến binh đã vận động bà con địa phương cùng chung tay giúp đỡ làm một gian nhà tạm khoảng 6-7m2 (xây bằng gạch) cho người cựu chiến binh kia, ủng hộ vài thứ đồ đạc và vận động các bà các chị hay lên chùa thắp hương và quét dọn thì qua thăm hỏi và giúp đỡ người cựu chiến binh này khi ốm đau.

Với truyền thống "lá lành đùm lá rách", đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau của người Việt ta, tôi nghĩ rằng: Nếu có sự tham gia đầy trách nhiệm của chính quyền và đoàn thể địa phương thì những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ căn bản hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một việc nên làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.