(HNM) - Lời bài hát
Những nữ lái xe Trường Sơn năm xưa
Hoa Trường Sơn
Trong những năm tháng chiến trường bom lửa chống Mỹ, hàng trăm nghìn nữ thanh niên xung phong (TNXP) ra tiền tuyến. Họ chủ yếu đi thông đường cho từng đoàn xe vào chiến trường chiến đấu. Va chạm nhiều với cánh lái xe qua lại, các cô gái trẻ ngày ấy chỉ ước ao được ngồi sau vô lăng, chở bộ đội, súng đạn vào chiến trường. Cuối năm1968, bom đạn xối trên các đoạn đường Trường Sơn ngày càng ác liệt, nhu cầu vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường, chở thương binh ra ngày càng cấp thiết. Thế là Bộ Tư lệnh 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 12 lập một đơn vị có một không hai trong kháng chiến: Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, để tận dụng lực lượng lúc bấy giờ và cổ vũ tinh thần anh em lái xe. Nhiều cô gái xung phong tham gia nhưng chỉ 33 cô được tuyển chọn. Thêm cả y tá, nuôi quân và sửa chữa máy, Đại đội mang tên người anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ra đời gồm 40 chị em.
Sau 45 ngày huấn luyện gấp, các cô gái trẻ đã vững vàng trên những chiếc xe zil 3 cầu, xe "Giải phóng" của Trung Quốc, Gát 53, Gát 63, Gát 69 bon bon vào ra chiến trường lửa đạn. Từ đó, những địa danh mịt mùng khói lửa như Cổng Trời, Khe Tang, Khe Giao, Khe Ve, Đồng Lộc thêm tiếng nói, tiếng cười của những người con gái quả cảm, bỗng dịu dàng hẳn.
"Ngày đấy, bọn tớ đứa nào cũng vượt 60 cân. Ra vào gặp "xế nam" ông nào cũng thò cổ ra trêu "thùng phuy di động", "vịt bầu". Vừa vui vừa ngượng. Nhưng phải khỏe thế mới lái được xe chứ. Bởi toàn loại 3-4 tấn chứ làm gì có loại xe dành riêng cho nữ", chị Bùi Thị Vân, Đại đội phó hào hứng kể. Ban đầu, mỗi xe có 2 "nữ xế", sau quen xe, quen đường, mỗi chị nhận 1 xe, liên tục chở bộ đội, thuốc men, lương thực, súng đạn vào và đưa thương binh ra với cường độ chẳng kém nam giới. Để bảo đảm bí mật, những chuyến xe của các chị phải chạy lúc đêm khuya, sương mù, mưa dầm. Đường hiểm trở, bom đạn trút xuống như mưa. Chỉ có cái đèn tù mù dưới gầm xe rọi xa lắm được 3m nên chị em cứ căng mắt ra tránh hố bom, bùn lầy, vực thẳm. Chị Vân bảo: "Xe đi được 2-3 ngày là nhíp gẫy, lốp nứt, săm thủng. Thế là lại chui vào gầm xe hì hụi sửa chữa như nam giới. Lắm hôm giữa đêm khuya 1 mình trong rừng hun hút mà xe bị hỏng. Sợ lắm! Không phải sợ bom đạn mà sợ... ma. Vừa khóc rưng rức vừa sửa". Chị Vũ Thị Kim Dung vui vẻ khoe cái răng cửa đã "hi sinh" của mình: "Chỉnh phanh đấy!".
Đừng bao giờ quên nhau
Họ là con gái. Trên chiếc xe xanh lá ngụy trang băng băng lao vào chiến trường vẫn có gương, lược, cuốn sổ thơ, khăn tay thêu, những bông hoa rừng. "Bọn tớ chạy xe là hay bị trêu lắm. Mấy anh lái xe nam tinh thật, nhìn từ xa đã nhận ra, bấm còi, vượt xe rồi lại lùi lại đến là buồn cười. Nhưng cũng là may mắn nếu xe bị hỏng mà gặp các anh ấy, thể nào cũng nhảy xuống giúp. Rồi trò chuyện…", chị Vũ Thị Đan chợt đỏ mặt. Thế nên biết bao nhiêu mối tình lãng mạn đã nảy sinh trên đường xe băng ấy. Nhiều chị lấy chồng cũng là cánh "xế nam" Trường Sơn, như chị Thanh “vại” (Nguyễn Thị Hoàng Thanh) với anh xế Hiệp, "Người thứ 41" (to như người Nga) Nguyễn Thị Nguyệt Ánh và anh lái xe Thắng…
Những nữ lái xe Trường Sơn bây giờ cũng đã ở tuổi lên bà, tóc lấm tấm bạc. Thế nhưng không phải ai cũng suôn sẻ. Xem quyển sổ ghi chép cuộc sống chị em của Trưởng ban liên lạc Nguyễn Thị Hòa mà rơi nước mắt: 3 chị đã mất vì di chứng chiến tranh, 19 chị là thương binh, 2 chị sống đơn thân, 5 chị sống ly hôn, 7 chị lấy chồng đã qua đời vợ. Chị Hòa, chị Dung hơn 40 tuổi mới lập gia đình. Đến giờ chị Dung vẫn chưa có con. Nhiều chị thôi không lái xe là về quê làm ruộng, nhưng bệnh tật liên miên, lương hưu chẳng có, sống nhờ vào trợ cấp, rất cơ cực. "Tìm được nhau là may lắm rồi. Ai khó khăn chị em lại quyên góp trợ giúp, ốm đau cùng chăm sóc. Con cái là của chung, đứa nào cũng gọi các chị là mẹ cả", chị Hòa chia sẻ.
Nhớ lời dặn của Đại đội trưởng trước khi nhắm mắt: "Chị em mình không bao giờ quên nhau, nhé!", năm nào các chị cũng họp mặt đúng vào ngày 22-12. Xa mấy cũng thu xếp đi. Rồi tụ tập khi nhà người này, lúc nhà người khác. Đêm nằm bên nhau, tắt đèn, tối đen như những đêm cùng ngủ trong hang, trong rừng, được sống lại một thời. Một thời và mãi mãi!
Vy Nga
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.