(HNM) - Trong ký ức của nhiều người còn sâu đậm thời bao cấp với tem phiếu, sổ gạo, bìa mua hàng, sổ mua phụ tùng xe đạp... Và xung quanh nó biết bao nhiêu chuyện vui, buồn...
Trẻ sơ sinh nông thôn và trẻ sơ sinh thành thị mà mẹ mất sữa một phần hưởng loại phiếu B, mỗi tháng được 4 hộp sữa đặc. Sữa trong nước có Thảo Nguyên, sản phẩm của Nông trường Bò sữa Mộc Châu, ngoài ra còn có sữa hộp Trung Quốc, Liên Xô. Tuy nhiên chất lượng sữa Thảo Nguyên không cao, dễ bị vón cục, để lâu dưới đáy đọng tới nửa hộp là đường, nên nhiều người không dám cho trẻ ăn.
Trước năm 1975, cán bộ cấp đặc biệt hưởng từ 7,5kg thịt, 3,5kg đường/tháng trở lên; bộ trưởng hoặc tương đương có phiếu A, trước năm 1975 hưởng 6kg thịt, 3kg đường, sau năm 1975 hưởng 4,2kg thịt, 2kg đường/tháng. Cán bộ cấp nhỏ tiêu chuẩn phiếu D trước năm 1975 hưởng 1kg thịt, 0,5kg đường/ tháng; sau năm 1975 hưởng 0,8kg thịt, 0,7kg đường/tháng. Công nhân lao động nặng trước năm 1975 tiêu chuẩn phiếu I, hưởng 1,5kg thịt, 0,75kg đường/tháng, còn nhân dân trước năm 1975 và cả sau này là phiếu N với 0,3kg thịt và 0,1kg đường/tháng. Ngoài thịt, còn có ô đậu phụ, ô nước mắm. Cán bộ hưởng cấp đặc biệt và tiêu chuẩn phiếu A, B mua tại cửa hàng 17 phố Tông Đản. Tiêu chuẩn phiếu C mua ở phố Nhà Thờ, Đặng Dung và Vân Hồ.
Tiêu chuẩn là vậy, nhưng cũng còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng. Có thời kỳ chỉ có thịt lợn ướp Trung Quốc, mùi chất bảo quản rất khó chịu nhưng cũng phải mua vì không có loại thịt khác. Chân giò, sườn là hai thứ người dân thích nhất vì ngành thực phẩm quy định tăng gấp đôi, ví dụ giá trị phiếu là 0,5kg, nếu mua thịt được 0,5kg, nhưng mua chân giò lại được 1kg. Đa số thích mua mỡ lá hơn mỡ phần vì mỡ phần rán không ra nhiều như mỡ lá, nhưng mấy khi mua được, vì mậu dịch viên dành bán cho người quen. Đậu phụ hiếm khi có đậu ngon, thường là bở và bã, còn nước mắm có lúc bốc mùi thum thủm, mua về phải nấu lại mới chấm rau muống luộc được. Vào mùa hè, ngành thực phẩm thường bán thêm cho mỗi phiếu mua hàng một con vịt cỏ. Ai quen biết được loại nặng hơn cân, còn không quen biết lại xếp hàng thì chỉ có loại từ 8 đến 9 lạng, lông măng tua tủa. Lại có khi mỗi bìa gia đình được mua thêm cá biển, loại cá nhỏ như ngón chân cái, nát vụn.
Về chất đốt, tiêu chuẩn cho dân ngoại thành là củi, than, còn nội thành ban đầu là củi, sau là dầu hỏa, tiêu chuẩn của cán bộ và nhân dân bằng nhau, 4 lít/tháng. Các cửa hàng bán dầu bằng máy bơm tay. Về sổ cung cấp phụ tùng xe đạp, từ năm 1965, Nhà nước quy định mỗi cán bộ, công nhân được phân phối 1 chiếc xe đạp trong cả đời công tác. Ai đã có xe đạp thì đăng ký để xin sổ mua phụ tùng. Việc phân phối này khá phức tạp, phải bình xét hay gắp thăm. Xe phân phối chủ yếu là xe Thống Nhất của Việt Nam, xe Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu của Trung Quốc. Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu rất nặng nhưng chắc chắn và bền. Giá xe phân phối rẻ hơn nhiều lần so với bán tự do.
Mỗi hộ gia đình ở cả thành thị và nông thôn đều được cấp bìa mua hàng để mua chiếu, kim chỉ, thuốc lá, bánh mứt kẹo vào dịp Tết Nguyên đán… Thế nên từ giữa tháng Chạp, mọi nhà đã tất bật đi mua “hàng Tết”. Chen chúc, xô đẩy để mua được túi hàng Tết, trong đó thường có hộp mứt Hữu Nghị, bao thuốc lá Điện Biên hoặc Tam Đảo bao bạc, gói trà Thanh Hương hoặc Hồng Đào, miếng bóng bì, bánh pháo, chai rượu Thanh Mai hoặc rượu mơ, rượu chanh... Mua về rồi, các thứ hàng hóa này được cất giữ cẩn thận, chỉ để dùng trong mấy ngày Tết. Ngoài các loại tem phiếu, các loại giấy tờ khác cũng có thể mua được hàng hóa như: giấy giới thiệu, chứng nhận kết hôn (có giấy kết hôn được mua 1 chiếc màn đôi, 2kg bánh kẹo, 1 tút thuốc lá để tổ chức đám cưới), giấy báo tử (có giấy này mới được mua quan tài giá cung cấp loại gỗ nhóm 4, kèm theo 10m vải xô hay vải trắng)... Tất cả các mặt hàng mua bằng tem phiếu chỉ có giá trị trong tháng, ai đi công tác không kịp mua chỉ còn cách bỏ đi.
Vì luôn luôn không có đủ hàng hóa nên mới sinh ra chuyện phải xếp hàng, từ xếp hàng thực phẩm, lương thực, đồ bách hóa đến chất đốt, thậm chí cả mua mớ rau muống của mậu dịch (rau muống mậu dịch thường bám đầy bèo tấm, dài cả mét, vì người bán rau cho mậu dịch thường cắt rất dài để tăng trọng lượng! Người mua về chỉ ngắt cái ngọn, còn phần cuống dài cả mét thì cho lợn. Đi mua hàng, chỉ có một người nhưng lại phải mua nhiều thứ, thế là sinh ra chuyện xếp hàng bằng gạch, nón, mê rổ... Một số người kiếm sống bằng cách bán chỗ, nghĩa là họ đến rất sớm, xếp vài chỗ liền nhau, nếu ai cần mua trước chỉ còn cách bỏ ra mấy hào mua lại “cục gạch” mà họ đã xếp. Cũng vì bao cấp nên giá hàng hóa rẻ như bèo, bán như cho đã sinh ra “phe phẩy”. Cửa hàng nào cũng có các bà “phe” và “phe phẩy” bị coi là kẻ gây ra nạn khan hiếm hàng hóa trong khi họ chỉ làm việc mua của người thừa bán cho người thiếu. Cánh “phe phẩy” lượn lờ quanh các cửa hàng thực phẩm, bách hóa gạ mua các loại tem phiếu. Có gia đình cần tiền phải bán cho các bà “phe” phiếu thực phẩm cả quý.
Năm 1982, Bộ trưởng Bộ Nội thương đã ký quyết định dẹp bỏ các cửa hàng cung cấp đặc biệt ở Tôn Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ và Đặng Dung. Vì sao dẹp bỏ cửa hàng mà cần tới quyết định của Bộ trưởng? Trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, cố Giáo sư Đặng Phong viết: “Vị Bộ trưởng Nội thương trực tiếp thực hiện quyết định này chính là Giáo sư Trần Phương”. Ông kể lại những bước chuẩn bị khá phức tạp để thực hiện quyết định này...
Trước hết, ông đi gặp một đồng chí lãnh đạo cấp cao để báo cáo. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí cán bộ cấp cao trầm ngâm một lúc rồi hỏi: “Thế anh định làm thế nào?”, Trần Phương trả lời: “Thưa anh, tôi có một cách giải quyết. Một mặt phải xóa các cửa hàng đó đi nhưng lợi ích của những người có tiêu chuẩn đó vẫn được bảo đảm bằng cách tính tất cả những mặt hàng cung cấp đó ra tiền. Bộ Tài chính sẽ phụ cấp số tiền đó vào lương. Như thế không để thiệt thòi cho người có tiêu chuẩn mà lại đỡ gây bất bình, bức xúc trong nhân dân... Bộ Nội thương chúng tôi đã tính toán và cân đối được rồi. Về mặt kinh tế không có vấn đề gì. Về mặt chính trị như thế sẽ tốt hơn”. Đồng chí lãnh đạo ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Được, anh làm đi”.
Tuy vậy, việc xóa hệ thống các cửa hàng cung cấp đã gây ra phản ứng dữ dội. Chuyện đến tai lãnh đạo cấp trên, ông Trần Phương bị chất vấn. Lần này Trần Phương trình lãnh đạo một xấp hóa đơn của phu nhân một vị cán bộ cấp cao, bà đã mua 180m vải tissu len trong một năm. Trần Phương nói: “Thưa anh! Đồng chí này cần may bao nhiêu bộ complet để tiếp khách mà phải mua tới 180m tissu và nếu đúng thế thì lương đồng chí đó là bao nhiêu để mua nổi bấy nhiêu mét tissu?”. Nghe xong, đồng chí lãnh đạo lắc đầu.
Cũng năm 1982, Bộ Nội thương đã trình Bộ Chính trị đề án cải tiến công tác nội thương, dẹp bỏ toàn bộ hệ thống các mặt hàng cung cấp bán sát theo giá thị trường và bù vào lương cho cán bộ, công nhân, viên chức. Tuy nhiên đề án này chỉ được chấp nhận một phần là xóa bỏ 33 trong 42 mặt hàng cung cấp, giữ lại mặt hàng thiết yếu cung cấp theo định lượng, trong đó có gạo, thịt, đường, vải, chất đốt... Phải đến ngày 1-4-1989 chế độ tem phiếu mới hoàn toàn được bãi bỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.