(HNM) - Không phải ngẫu nhiên, một sinh viên Việt Nam mới sang Đài Loan (Trung Quốc) nhập học đã phải thốt lên rằng: "Một tuần ở đây, những gì cảm nhận ban đầu hoàn toàn khác. Sống ở trường, trong môi trường sinh viên quốc tế mà cứ ngỡ ở nhà mình".
Có được điều đó, trước hết phải nói đến sự nỗ lực của các sinh viên trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Thành Công, Đài Nam, đảo Đài Loan.
Buổi giới thiệu với các bạn sinh viên mới về Tuần văn hóa Việt Nam tại Đài Nam. |
Không gian rất Việt
Có mặt ở Trường ĐH Thành Công, gặp nhiều bạn sinh viên, nghiên cứu sinh đang theo học, điều mà mọi người tâm đắc nhất chính là "Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Đài Nam" do Hội Sinh viên Việt Nam của trường tổ chức. Hoạt động này đã được duy trì đều đặn từ năm 2006 đến nay.
Kể về Tuần lễ văn hóa Việt Nam vừa qua, Phạm Hiếu, nhà ở đường Trần Khát Chân, Hà Nội, đang theo học thạc sĩ ngành kinh tế của trường cho biết: Trước khi tổ chức, tụi em cứ lo ngay ngáy, không biết mọi người đón nhận thế nào, nhưng ngay trong ngày khai mạc, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Hội chợ ẩm thực trong tuần lễ văn hóa đã thành công rực rỡ. Ngay trong ngày đầu tiên, nhóm "đạo diễn" món phở Việt Nam đã mướt mồ hôi. Chỉ trong một giờ, 350 suất phở hết veo, mà khách thì xếp hàng dài dằng dặc. Phiên chợ Việt với chủ đề "Hồn chợ Việt" đã thu hút đông đảo chị em Việt Nam đang sinh sống tại Đài Loan tham gia. Hình ảnh những cô thôn nữ mặc áo bà ba dịu dàng, áo dài truyền thống dân tộc thướt tha đã in đậm trong tâm trí các bạn sinh viên nước ngoài.
Tụi em làm điều phối viên - Hiếu nói tiếp - Hết hỗ trợ cho anh em "ẩm thực" lại quay sang đội trò chơi. Tất cả đạo cụ cho các trò chơi dân gian Việt Nam đã được bọn em chuẩn bị từ rất lâu rồi, phục vụ mọi người rất nhiều trò như kéo co, ném còn, nhảy sạp, đập niêu (nhưng không có niêu nên thay bằng bóng), ô ăn quan, nhảy lò cò... Sinh viên Việt Nam mình và các bạn quốc tế tham gia rất náo nhiệt. Nhiều sinh viên nước ngoài ban đầu lạ lẫm với những trò chơi Việt, sau như bị nghiện, cuốn hút một cách lạ thường.
Chen ngang câu chuyện, Nguyễn Hữu Hùng, giáo viên Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), theo học thạc sĩ tại trường, bổ sung: Những ngày ấy, anh em sinh viên Việt Nam mệt nhưng mà vui. Nhiều lúc nghĩ, sao mình khỏe thế. Thức đêm chuẩn bị mấy ngày cho đạo cụ, đến ngày diễn ra tuần văn hóa, bận túi bụi từ sáng, đến trưa chỉ kịp nghỉ để ăn vội suất cơm hộp rồi lại ra sảnh để giúp đội triển lãm bài binh bố trận, trang trí để sáng hôm sau trưng bày ảnh về Việt Nam. Trong khi ấy, đội trò chơi dân gian tiếp tục miệt mài sửa lại đạo cụ bị hỏng, để sáng hôm sau mọi người có thể chơi tiếp…
Trong suốt tuần văn hóa, khán giả ngoài những bạn sinh viên ra, còn có một số lượng không nhỏ các anh chị lao động đang làm việc trong những nhà máy, công xưởng ở Đài Loan. Có những chị kết thúc giờ làm muộn, nhưng vẫn phải đến thưởng thức chương trình, dù lúc đó chỉ còn những tiết mục cuối cùng. Nhiều cô dâu Việt cũng đã đưa gia đình đến đây… Đối với anh em sinh viên Việt Nam, tổ chức được chương trình, có được kết quả như thế, ấy là một thành công lớn, tạo dấu ấn mạnh đối với các bạn sinh viên quốc tế về một nước Việt Nam giàu bản sắc và truyền thống văn hóa.
Ý chí của một tập thể
Nhớ lại thời kỳ đầu, Trần Lan, quê Nam Định, đang làm luận án tiến sĩ ở trường, tâm sự: Năm 2006, anh em sinh viên, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Thành Công trăn trở lắm. Có nhiều anh em sinh viên Việt, phải nghĩ cách nào để tập hợp mọi người, quây quần, đoàn kết, quảng bá hình ảnh quê nhà. Ý tưởng tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt Nam được đưa ra, nhưng kinh phí ở đâu, làm thế nào lại là cả một vấn đề lớn.
May mắn, đề đạt với ban giám hiệu nhà trường thì nhận được sự chấp thuận và hỗ trợ một phần kinh phí. Anh em trong Hội Sinh viên Việt Nam của trường soạn công văn xin tài trợ của một số doanh nghiệp trên địa bàn.
- Mới đầu xin kinh phí tài trợ khó khăn lắm - Lan nói - Nhiều doanh nghiệp họ không hiểu mình làm những gì, họ có được quyền lợi ra sao. Rồi tụi em phải viết giải trình, thông báo từng việc cụ thể một. Rằng tiền của họ sẽ được dùng trong việc này, việc kia, có hóa đơn, chứng từ, sổ sách đầy đủ. Khi ấy họ mới tin và đến khi tuần văn hóa diễn ra, nhìn thấy sự hiệu quả ấy, từ năm sau, nhiều doanh nghiệp đã đưa phần tài trợ cho Tuần văn hóa Việt Nam vào trong ngân sách dự trù của mình.
Có kinh phí rồi, anh em ai cũng phấn chấn - Lan kể - Em chỉ ví dụ như trang phục. Hội sinh viên bọn em có cả một kho đầy đủ quần áo, y phục cổ truyền của dân tộc. Thậm chí cả đòn gánh, nón quai thao… nói chung không thiếu một thứ gì.
- Bằng cách nào có vậy?
- Mỗi bạn sinh viên trước khi về nghỉ phép, tụi em thống kê xem thiếu thứ gì, phân công từng người về tìm mua bằng được. Một người, hai người và cả một tập thể đều ủng hộ nên việc có được đạo cụ cho những buổi biểu diễn nhanh lắm. Khi biết tụi em có nhiều trang phục, các trường khác ở Đài Loan có sinh viên Việt theo học, mỗi khi trường có việc, tổ chức sự kiện gì cũng đều đến Thành Công nhờ chi viện. Thậm chí, có gia đình cô dâu Việt ở đây, ngày lễ, tết muốn súng sính trong trang phục áo dài truyền thống, cũng đến Hội Sinh viên Việt Nam ở Thành Công.
Nhờ có bầu nhiệt huyết sẵn có, cộng với ý chí của cả tập thể - Lan nói tiếp - mỗi năm, Tuần văn hóa Việt Nam tại Đài Nam đều mang những dấu ấn khác nhau, phong phú. Nếu như năm 2009, sự kiện mang hơi hướng truyền thống dân gian, dàn dựng theo cốt truyện Tấm Cám thì năm 2010, Tuần văn hóa hướng về Hà Nội, thủ đô 1000 năm tuổi, dẫn dắt khán giả về với Thăng Long cổ kính, Hà Nội trong khói lửa chiến tranh và Hà Nội thời kỳ hòa bình hội nhập. Các sinh viên quốc tế đang học tập tại Đài Loan cũng đã khoác lên mình những bộ áo the khăn xếp, áo dài, áo tứ thân… để tự trải nghiệm những nét đẹp của trang phục Việt Nam. Năm 2011 này, tụi em đang gấp rút chuẩn bị, trung tuần tháng 5 tới chắc chắn mọi người sẽ thêm nhiều bất ngờ.
Cũng từ hoạt động của hội, sự gắn kết giữa anh em sinh viên Việt Nam trong trường ngày một thắt chặt, dù làm gì, ở đâu, mọi người luôn hướng về Tổ quốc. Trần Lan kể, những ngày lễ lớn của dân tộc như Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Quốc khánh (2-9), Tết cổ truyền của dân tộc, Hội Sinh viên của trường luôn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Khi Tết đến, xuân về, anh em sinh viên ở lại cũng tổ chức gói bánh chưng, tổ chức những lớp dạy gói bánh chưng, gói giò cho các cô dâu Việt. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động trong dịp ngày Quốc tế phụ nữ (8-3), Phụ nữ Việt Nam (20-10) cũng được tổ chức, tạo ấn tượng mạnh đối với bạn bè quốc tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.