(HNMCT) - Nằm ở cực Bắc - vùng phên giậu của Tổ quốc, Hà Giang không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ cùng sự đa dạng văn hóa mà còn được biết đến như một trong những địa phương phát triển du lịch khá bài bản. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, khiến du khách muốn quay lại vùng đất này nhiều lần.
Vẻ đẹp tiềm ẩn
Nhắc đến Hà Giang, có lẽ bất cứ người Việt nào cũng mong muốn được một lần đặt chân tới, để được đứng dưới lá cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay trên cột cờ Lũng Cú, nơi mà theo sử sách Lý Thường Kiệt đã lần đầu tiên đánh dấu chủ quyền lãnh thổ bằng một cây sa mộc. Năm 2010, Cột cờ Lũng Cú được đầu tư xây dựng quy mô, nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, có hình bát giác, cao hơn 30m, diện tích 54m², đại diện cho 54 dân tộc anh em.
Đến với Hà Giang, du khách không thể không đến với cao nguyên đá Đồng Văn, nơi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Nằm ở độ cao 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, có diện tích 2.356km², trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, đây là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Quần thể di tích lịch sử - danh thắng Lũng Cú, Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Bãi đá cổ, di chỉ khảo cổ... Đây cũng là nơi có các thắng cảnh hùng vĩ như sông Nho Quế, Mã Pì Lèng - “Thiên hạ đệ nhất đèo”, hẻm Tu Sản - hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á với độ sâu 700 - 900m.
Không chỉ sở hữu thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, Hà Giang còn là vùng đất đậm đặc văn hóa với những lễ hội đặc sắc diễn ra quanh năm như tháng Giêng có hội Lồng Tồng của người Tày, hội Gầu Tào của người Mông; tháng 3 với chợ tình Khau Vai; tháng 5 có Lễ thần rừng của người Lô Lô; tháng 7 đi hội Khu Cù Tê của người La Chí; tháng 9 có Tết cá của người Tày; tháng 10 đi hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; tháng 11 là Lễ hội hoa tam giác mạch...
Anh Huỳnh Lê Phước, du khách đến từ quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ sau chuyến tham quan Hà Giang: “Hà Giang thực sự là một vùng đất mang vẻ đẹp tiềm ẩn đầy lôi cuốn với thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ cùng bản sắc văn hóa đa dạng. Tôi sẽ còn trở lại đây nhiều lần nữa để khám phá vùng địa đầu Tổ quốc thú vị này”.
Thu hút khách bằng sản phẩm chủ lực
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Du lịch và các địa phương. Tuy nhiên, du lịch Hà Giang vẫn thu hút 1,5 triệu lượt khách và đạt mức tăng trưởng 7% so với năm 2019. Không những vậy, quý I-2021, Hà Giang vinh dự lọt vào top 10 điểm đến của Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 do hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn.
Chia sẻ về thành quả trên, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, ngay sau khi xảy ra đợt dịch thứ nhất, Hà Giang đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch sau dịch Covid-19 những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút khách du lịch như xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhằm tạo sự an tâm cho du khách; xây dựng chương trình Kích cầu du lịch nội địa; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh liên kết trong công tác xúc tiến quảng bá...”.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hải, nhờ kịp thời "xoay trục", tập trung vào việc khai thác thị trường khách nội địa nên Hà Giang đã hạn chế tối đa thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Song song với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng khắc phục tính mùa vụ với các sản phẩm du lịch trải đều 4 mùa trong năm như mùa hoa tam giác mạch; ngắm ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa lúa chín... hay các sản phẩm khai thác quanh năm như du lịch cộng đồng, khám phá hang Lùng Khúy, đi bộ trên Vách đá trắng, du thuyền trên dòng Nho Quế ngắm đèo Mã Pì Lèng và hẻm vực Tu Sản... Ngoài ra, Hà Giang cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao như giải marathon quốc tế trên con đường Hạnh Phúc; giải đua mô tô, ô tô địa hình; bay dù lượn trên cánh đồng tam giác mạch... nhằm đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm và thu hút nhiều đối tượng khách.
Từ thực tế của Hà Giang, có thể thấy, địa phương nào nhanh chóng ứng phó với đại dịch, xây dựng được thương hiệu điểm đến an toàn, đồng thời nắm bắt được xu hướng của thị trường để đưa ra các sản phẩm độc đáo thì sẽ thu hút khách du lịch. Đó là cách làm chuyên nghiệp, vừa hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, vừa phát triển du lịch một cách bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.