(HNMO) - Chiều 4-4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đây là nguyên nhân khiến nhiều người đầu tư vào đất đai. Hơn nữa, năm 2020-2021, các bộ, ngành và địa phương triển khai quy hoạch nên nhiều nhà đầu tư mua gom đất, phân lô, bán nền.
“Việc giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương làm giảm thu hút đầu tư, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”, ông Lê Công Thành nói.
Ngoài ra, theo ông Lê Công Thành, ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm việc đấu giá đất, có thông đồng, để lộ thông tin. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các địa phương khuyến cáo quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Thông tin cần phải được công khai, minh bạch, tránh bị nhiễu thông tin, bị nhà đầu tư lợi dụng để "thổi" giá đất. Bộ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về đăng ký sử dụng đất, kiểm soát các giao dịch ảo, đặc biệt là xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc tách thửa đất.
* Trả lời câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, vấn đề xử lý nợ xấu theo nghị quyết của Quốc hội như thế nào, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022 được đặt ra từ đầu năm. Cuối quý I-2022, con số tăng tích cực, đến nay đã tăng 5,04%, hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Con số này chứng tỏ nền kinh tế đang phát triển theo chiều hướng tích cực, cũng như chứng tỏ các biện pháp chống dịch rất hiệu quả, đời sống sản xuất kinh doanh đã quay trở lại.
Về xử lý nợ xấu, theo ông Đào Minh Tú, Nghị quyết số 42 của Quốc hội ra đời có tác dụng rất tích cực, xử lý được 380 nghìn tỷ đồng, qua đó tái tạo đầu tư cho nền kinh tế; việc xử lý các tài sản “đóng băng” cũng rất tích cực. Về lâu dài, Phó Thống đốc cho biết, cần có đạo luật liên quan đến xử lý nợ xấu chung của nền kinh tế, chứ không phải chỉ riêng ngân hàng.
Theo ông Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo, nghiên cứu về đạo luật này nhưng cần có thời gian. Trong khi đó, nếu không kéo dài Nghị quyết số 42, việc xử lý một số khoản nợ xấu sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết số 42.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.