Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một niềm tin, một khát vọng

Tùy bút của Nguyễn Triều| 01/01/2012 06:07

(HNM) - Hà Nội, ngày cuối cùng năm 2011. Dự báo thời tiết nhiệt độ có thể xuống 15-16 độ, trời đột ngột lạnh. Quê tôi, Nghệ An, cả tháng nay hầu như không chút nắng, mạ mấy lần gieo đều cháy vì lạnh. Nghe chừng năm nay chậm cữ cấy.

Anh bạn phóng viên của Hànộimới đang ngoài Trường Sa gọi, nói gió mạnh, sóng to, biển cồn, tàu chưa thể về. Chuyến đi dự tính hai tuần nhưng kéo dài một tháng. Anh nói: Vậy mà may, càng có điều kiện đặt chân lên nhiều đảo chưa từng đến.

Tấm lòng của người dân đất liền gửi Trường Sa. Ảnh: Tống Ngọc Thanh

Chiều vẫn lạnh. Bờ Hồ tràn ngập sóng người, sóng hoa, sóng nhạc. Tượng đài vua Lý Công Uẩn lặng ngắm cháu con rạng rỡ muôn sắc trong biển hoa xuân dạt dào hương đón năm mới. Hồ Gươm thanh bình.

Và chúng ta lại đón giao thừa...

Năm 2011, một năm đầy những biến động, thách thức; một năm nghiêm túc nhìn nhận lại, đánh giá lại nhiều quan niệm, nhiều giá trị tinh thần, vật chất thừa hưởng từ cha ông; từ buổi Đảng ra đời, từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất; những năm đổi mới, hội nhập.

Năm 2011 vừa tròn 100 năm kể từ ngày chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng, nhằm hướng đại dương, vươn ra thế giới với một khát vọng duy nhất - cứu nước. Trên hành trình vĩ đại vì mục đích lịch sử, định hướng nung nấu duy nhất của chàng trai xứ Nghệ đầy nhiệt huyết là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Chính nhờ kim chỉ nam đó mà Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra chân giá trị của Quốc tế Cộng sản 3, của Đảng Cộng sản Pháp, của Luận cương Lênin về các vấn đề thuộc địa giữa xung đột của những tuyên ngôn nhân quyền, triết lý dân chủ, những học thuyết, trào lưu, đảng phái chính trị ở phương Tây đầu thế kỷ XX.

Năm 2011, Đảng ta tuyên bố ưu tiên hàng đầu, quyết định trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc là chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Biển Đông nổi sóng, chúng ta sẵn sàng đối mặt với thử thách, giải quyết nó trên nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích dân tộc. Không chỉ bằng ý chí, trí tuệ. Bằng cả sức mạnh.

Trên phương diện kinh tế, năm 2011 là một năm thử thách chưa từng có. Việt Nam đối mặt với hai cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng 1996 - 1998 ít ảnh hưởng tới chúng ta; nhưng cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2008 hoàn toàn khác. Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, toàn diện trong khu vực, trên thế giới. Những bài học quan trọng được rút ra, trong đó nhận thức rõ phát triển trước hết cần ổn định, bền vững. Một trong những vấn đề lớn cần giải quyết mau chóng và hợp quy luật là mâu thuẫn giữa chủ trương giảm lạm phát, nâng cao mức sống của người lao động với đòi hỏi tăng giá hàng hóa, dịch vụ của nhiều tập đoàn chủ chốt nhằm bớt thua lỗ và để phát triển. Nội tệ liên tục mất giá; sốt vàng thường xuyên; thị trường nông sản vượt tầm kiểm soát; quyền lợi của người lao động, trước hết là nông dân, rất bấp bênh... đặt ra một loạt những vấn đề cần giải quyết cho toàn xã hội về lâu dài. Khắc phục nhận thức, quan niệm từ xưa vẫn tồn tại về giá trị của tiền tệ và lao động, một số phương thức tổ chức, quản lý, điều hành hệ thống ngân hàng đang được điều chỉnh, cơ cấu lại. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước cũng vậy. Không thể cứ để quá cồng kềnh, tốn kém, ít hiệu quả.

Không chỉ nhiều giá trị, chuẩn mực về vật chất cần xem xét lại, thay đổi cho phù hợp với hiện tại để mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước, cho người lao động. Nhiều giá trị tinh thần cũng vậy. Mải chạy theo thành tích, xã hội chúng ta đã làm sai lệch nhiều giá trị nền tảng, những yêu cầu chuẩn mực người xưa đặt ra về bằng cấp, học vị học hàm; về danh hiệu, về giải thưởng... Những sơ suất và bất cập trong đề cử và xét duyệt Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật là một giọt nước tràn ly; một nỗi buồn khó thể nguôi xóa, không chỉ đối với giới trí thức...

Thành tựu lớn nhất của năm 2011 không chỉ là tăng trưởng, kìm giữ lạm phát, nhập siêu giảm hay vấn đề biển Đông... Chúng ta đã nhận ra nhiều nhận thức, quan niệm, quan điểm, giá trị không còn phù hợp; nhiều chính sách, chủ trương đã lỗi thời; nhiều biện pháp duy ý chí... Và từ đó đã vạch ra những chương trình hành động, trước mắt và lâu dài, cho hôm nay và mai sau. Thành tựu lớn không chỉ dừng ở đó. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã tập hợp được ý chí, sức mạnh của toàn dân, vững tin ở đội ngũ lãnh đạo, những người đủ “Tài, Tâm, Tầm”.

Truyền hình Việt Nam có một Chương trình giải trí đáng xem: Trẻ em bao giờ cũng đúng. Trong lần “đọ sức” cuối cùng của năm, phát trưa 31-12-2011, đội trẻ em (7 bé gái và trai tuổi 9 - 12) đã thắng tuyệt đẹp đội người lớn (4 thầy cô, trong đó đội trưởng 58 tuổi). Người lớn thua không vì nhường. Hiệp cuối họ được chọn đề tài. Các cháu không chỉ phản ứng nhanh. Trẻ em chúng ta hôm nay tự tin, hiểu biết đến kinh ngạc.

Thủ đô đã lên đèn. Mặt hồ Gươm lấp loáng sóng nhạc. “Đường phố đông vui... Là phút thiêng liêng...”.

Ở quê rỗi mà chưa lo Tết, đã tìm được giống mới tương đối phù hợp, theo kinh nghiệm xưa, để lo mạ. Anh phóng viên báo HàNộimới đang ở Trường Sa lại gọi. Biển vẫn sóng mà không khí Tết đang ùa đến. Cùng nỗi nhớ đất liền.

Rừng núi, làng quê, thành phố, sông dài, biển lớn. Đất nước bao la một dải. Một niềm tin. Một khát vọng. Một tương lai.

Năm mới hạnh phúc!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một niềm tin, một khát vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.