Văn nghệ

Một Nguyễn Đình Tú hóa thân để sáng tạo

Nguyễn Mạnh Thắng 07/06/2024 - 07:53

Đến với nghề viết văn sau khi đã tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và làm công tác Kiểm soát quân sự 5 năm, Nguyễn Đình Tú được xem là một cây sáng tác trẻ nhiều triển vọng về các mảng đề tài như lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và an ninh.

Kể từ năm 2000, tiểu thuyết của anh ra đời rất đều, nhưng từ sau khi ra mắt bộ tiểu thuyết “Bãi săn” vào năm 2018, Đại tá, nhà văn Nguyễn Đình Tú ít viết hơn. Năm 2023, Nguyễn Đình Tú cho ra đời vài truyện ngắn và lập tức gây tiếng vang.

10.jpg
Đại tá, nhà văn Nguyễn Đình Tú.

1. Lần đầu tiên tôi biết đến Nguyễn Đình Tú là khi đọc được cuốn tiểu thuyết “Hồ sơ một tử tù” vào năm 2006, sau 4 năm nó được phát hành. Đêm ấy, ngay từ những trang đầu của cuốn sách tôi đã bị cuốn hút bởi chất văn rất lạ và lao vào “nuốt” từng chữ trong cuốn tiểu thuyết dày hơn 200 trang. Đúng 5h30 phút sáng hôm sau, khi tiếng kèn báo thức của đơn vị vang lên, tôi đành gấp sách trong tiếc nuối. Cuốn sách gợi cho tôi bao suy nghĩ về thân phận con người xuyên suốt một giai đoạn dài của lịch sử, từ sau cải cách ruộng đất đến thời kỳ đổi mới.

Ở đơn vị khi ấy chỉ có mấy đầu báo hằng ngày, Internet thì không phổ biến như bây giờ nên tôi đành bằng lòng với thông tin ít ỏi về nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Năm 2014, khi đi học lớp cán bộ chính trị trung, sư đoàn ở Học viện Khoa học quân sự, tôi gặp nhà văn Nguyễn Đình Tú, lúc ấy đang là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh có nước da trắng cộng thêm cặp kính cận gọng đen thường trực đúng dáng dấp của một thư sinh, khác xa với những tưởng tượng của tôi về anh. Được xếp cùng tổ, lại ngồi cùng bàn trong suốt khóa học nên tôi có điều kiện trò chuyện, tìm hiểu về quá trình sáng tác của anh. Thời điểm đó, anh vừa học vừa tranh thủ đi làm phim “Hương Ga” vào ngày nghỉ nên anh bay đi bay về giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như cơm bữa.

2. Có nhiều thời gian gần gũi, tôi thêm hiểu về anh. Nguyễn Đình Tú thuộc thế hệ nhà văn 7x, nổi bật bởi số lượng tiểu thuyết, truyện ngắn đã được “trình làng”. Anh sở hữu gia tài văn chương mà người trong giới nghề phải mơ ước. Tác phẩm của anh tập trung vào thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Ngoài “Hồ sơ một tử tù”, anh còn có một số tiểu thuyết như “Hoang tâm”, “Phiên bản”, “Nháp”, “Bên dòng sầu diện”, “Xác phàm”, “Kín”, “Cô Mặc Sầu”.

Đặc biệt, anh có 2 tác phẩm viết cho thiếu nhi là “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” và “Ba nàng lính ngự lâm”… Nhiều tác phẩm của anh được giới nghiên cứu, phê bình lựa chọn làm đối tượng khảo sát, được học viên ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ lựa chọn làm tiểu luận hoặc đồ án tốt nghiệp.

Bẵng đi một thời gian, vào cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019, Nguyễn Đình Tú đột ngột xuất bản bộ tiểu thuyết dạng huyền ảo - Fantasy có tên “Bãi săn” gồm 2 phần. Phần 1 có tên “Giếng cổ” và phần 2 có tên “Phản đồ”, thu hút được sự quan tâm của bạn đọc và giới truyền thông.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm công tác tại Ban Lý luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ quân đội từng đánh giá trong một bài viết đăng trên vanvn.vn về “Bãi săn”: “Bộ tiểu thuyết đã mang đến cho độc giả những trải nghiệm văn chương, lịch sử, văn hóa vừa huyền ảo vừa đầy gợi mở, thúc đẩy trí tưởng tượng và khao khát tìm hiểu những vùng khuất mờ, ảo ảnh của lịch sử, văn hóa. Nghĩa là, độc giả có cơ hội được sống nhiều hơn, sinh động hơn qua từng trang sách”.

Gần đây, anh gửi cho tôi bản thảo tập truyện sắp xuất bản “Lửa thiên đường” gồm 9 truyện ngắn mà hầu hết được sáng tác trong năm 2023. Trong tập truyện ngắn sắp xuất bản này dường như tôi thấy Nguyễn Đình Tú đã có sự đổi khác. Vẫn với kiểu viết giàu cảm xúc, liền mạch, nhưng cách diễn đạt nội tâm nhân vật dường như cô đọng, sâu sắc hơn khiến người đọc phải suy nghĩ. Nhân vật trong tập truyện ngắn này rất đa dạng, đại diện cho những giai tầng trong xã hội phát triển. Đó là một nhà văn, nhà báo, một lao động nghèo lên thành phố hay là những doanh nhân nữ thành đạt, một cô giáo, một anh đạp xích lô hay một sinh viên, một cán bộ nhà máy đóng tàu…

Sự đa dạng trong xây dựng hình tượng nhân vật của Nguyễn Đình Tú còn được thể hiện trong nhiều tác phẩm khác, cho thấy anh là một người chịu khó quan sát, tỉ mỉ và đầy tinh tế. Trong tác phẩm “Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối”, Nguyễn Đình Tú vẽ ra một họa sĩ đã thành danh có ước mong trở thành một nhà văn, kế tục con đường của người cha đi trước.

Trong “Một chuyện khó tin”, Nguyễn Đình Tú mô tả một nam lao động phổ thông quyết rời bỏ quê hương lên thành phố tìm việc làm, nâng cao thu nhập để kể về một câu chuyện, đúng hơn là thân phận của anh đạp xích lô trong khu trọ nghèo. Ở tác phẩm “Hoa hồng và bánh mì”, Nguyễn Đình Tú nói về một nữ doanh nhân thành đạt trong kinh doanh nhưng luôn chới với, cô đơn trong đời sống tình cảm mẹ con và cả tình duyên. Nguyễn Đình Tú cho độc giả thấy một cái nhìn sâu về cuộc sống ở xã hội hiện đại: Phía sau hào quang kinh tế và sự giàu có là sự mất mát, cô đơn khó có thể bù đắp…

Vẫn cảm hứng ấy, trong “Điệu mambo hư ảo”, Nguyễn Đình Tú đã vẽ ra chân dung của một cử nhân văn khoa dám từ bỏ viết văn để đến với nghề báo với mong muốn có những bài phóng sự đình đám. Muốn trụ lại thành phố, anh đã đi tìm nhân vật trong thực tế ở những tụ điểm ăn chơi có tiếng để rồi khám phá ra những góc khuất trong đời sống xã hội…

Đặc biệt, không gian, thời gian trong các truyện ngắn của Nguyễn Đình Tú cũng rất đa dạng. Có thể là câu chuyện xảy ra chỉ trong một tuần nhưng thời gian lại có độ lùi quá khứ về trước năm 1945. Đó cũng có thể là câu chuyện xảy ra đầu những năm 1990 trong giai đoạn đầu thời kỳ mở cửa, hay câu chuyện xảy ra như mới ngày hôm qua, như trong các tác phẩm: “Lửa thiên đường”, “Vết dầu khô nổi giận”, “Đời hoang”.

3. Nhà văn Nguyễn Đình Tú nói với tôi rằng, muốn thuyết phục độc giả bằng truyện ngắn không dễ dàng. Trước tiên phải có ý tưởng, có câu chuyện mẫu và cả nhân vật mẫu. Rồi bằng sự sáng tạo ngôn ngữ và những thủ pháp nghệ thuật để đưa câu chuyện đến với độc giả, lưu lại được giá trị của nó trong lòng độc giả, qua đó hướng độc giả tới giá trị nhân văn, giá trị giáo dục đích thực của văn học.

Đọc truyện ngắn của Nguyễn Đình Tú, sau khi chiêm nghiệm những gì anh chia sẻ, tôi rút ra được một bài học riêng, đó là sự hóa thân. Khi viết, anh đã không còn là một Đại tá trong quân đội với tính cách điển hình là nghiêm nghị và có tính kỷ luật cao nữa mà đã hóa thân vào các nhân vật, các hoàn cảnh sống. Anh hòa vào nhân vật, vào nghề nghiệp và vào số phận của họ với ngôn ngữ phong phú, rất đời, nhưng cũng rất riêng mà chỉ trong giới trong nghề mới phát hiện ra sự tinh tế sáng tạo ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một Nguyễn Đình Tú hóa thân để sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.