(HNM) - Đây là một nguyên tắc được nêu trong Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đề án, mỗi xã, phường, thị trấn sắp xếp, bố trí tối đa 7 người hoạt động không chuyên trách để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 10 chức danh không chuyên trách ở cấp xã. Trong đó, mỗi địa phương bố trí 2-3 người hoạt động không chuyên trách để đảm nhiệm 2 chức danh không khuyến khích kiêm nhiệm (văn phòng đảng ủy; phó chỉ huy quân sự); bố trí 4-5 người hoạt động không chuyên trách và phân công một số cán bộ, công chức cấp xã để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 8 chức danh không chuyên trách còn lại.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng gợi ý cụ thể cách thức bố trí kiêm nhiệm. Mỗi thôn, tổ dân phố sắp xếp, bố trí tối đa 2 người hoạt động không chuyên trách để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 3 chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý có thể bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Đối với thôn, tổ dân phố loại 1, không khuyến khích bố trí bí thư chi bộ kiêm nhiệm chức danh trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.
Theo tính toán, sau khi thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU và Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND thành phố Hà Nội về “Số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội”, toàn thành phố sẽ giảm 33.583 người hoạt động không chuyên trách và giảm được trên 236 tỷ đồng/năm chi phí liên quan…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.