(HNMO) - Trong 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được Công an thành phố Hà Nội triển khai, chốt trực số 5 trên quốc lộ 1B dưới chân cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm) là một trong những nơi vất vả nhất. Vị trí của chốt gần như nằm giữa cánh đồng xa khu dân cư, thiếu thốn mọi điều kiện sinh hoạt tối thiểu… Nhưng vượt qua khó khăn, tổ công tác bám chốt 24/24 giờ làm nhiệm vụ tại cửa ngõ phía Bắc Thủ đô.
Vượt qua vất vả
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), cho biết trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên nơi Đội Cảnh sát giao thông số 5 phụ trách hiện có 5 chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 tại các khu vực tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Chính vì thế, khi lên phương án triển khai các chốt, Phòng Cảnh sát giao thông đã chọn Đội Cảnh sát giao thông số 7 (phụ trách quận Thanh Xuân và quận Hà Đông) sang chốt trực số 5 trên quốc lộ 1B.
Vị trí cắm chốt số 5 nằm xa nhà dân, khu dân cư nên không chỉ gây khó khăn khi đi lại với cán bộ, chiến sĩ phần lớn nhà ở đều cách vị trí công tác hàng chục cây số, mà còn rất vất vả trong điều kiện sinh hoạt hằng ngày như nấu ăn, vệ sinh cá nhân, trong khi lượng phương tiện qua lại đây rất lớn...
Tổ trưởng tổ công tác, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, trong ngày chỉ có khoảng chút thời gian đầu giờ chiều tận hưởng chút bóng râm của hàng cây ven đường, ngay từ sáng nắng đã phả hơi nóng hầm hập từ mặt đường lên… “Vượt qua khó khăn, 11 cán bộ, chiến sĩ tổ công tác gồm các lực lượng y tế, quân đội, thanh tra giao thông, dân quân và công an chúng tôi sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ”, Trung tá Thắng nói.
Từng có kinh nghiệm làm nhiệm vụ trên địa bàn, Đại úy Nguyễn Văn Phương, Đại đội 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an thành phố Hà Nội) chia sẻ, tuy mệt nhưng cũng không dễ chợp mắt trên giường bạt của chốt vì trời nắng nóng, hơn nữa lượng phương tiện chạy qua khu vực trên với mật độ cao tạo tiếng ồn và độ rung lắc lớn.
Do vị trí chốt trực nằm ngay trên tuyến đường có mật độ phương tiện qua lại lớn, để lái xe từ xa có thể quan sát được vị trí tổ công tác nên bắt buộc phải chọn chỗ thoáng đãng, rộng tầm nhìn. Anh Dương Hồng Tiến, cán bộ Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Thanh Xuân thông tin, vị trí dừng xe do 1 Cảnh sát giao thông đảm nhiệm nằm xa khu vực làm việc hàng chục mét có trang bị biển báo vào ban ngày và đèn quay, cột cảnh báo phản quang vào ban đêm để lái xe dễ nhận biết, chủ động giảm tốc độ từ xa. Bên cạnh đó, ngoài hàng rào mềm, Thanh tra giao thông đã bố trí xe cẩu đặt 3 cột bê tông cứng phía trước lều bạt để bảo đảm an toàn cho tổ công tác.
Không “ngăn sông cấm chợ”
Thiếu tá Quản Đức Minh, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện Gia Lâm, thành viên của chốt kiểm soát số 5 cho biết, trong 4 ngày làm việc vừa qua, các xe chở khách hợp đồng và các tuyến cố định đều chấp hành quy định của UBND thành phố và hiệu lệnh của tổ công tác. Trên tinh thần kiên quyết chặn nguồn lây nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, khi người dân ở tỉnh ngoài vào khu vực Hà Nội cơ bản chỉ cần dừng phương tiện xuống khai báo y tế bằng giấy có thể khai báo qua Bluezone. Đồng thời, để cán bộ y tế đo thân nhiệt và lấy thông tin.
“Trong quá trình làm nhiệm vụ, phát sinh nhiều tình huống, như có một xe chở khách tuyến cố định từ tỉnh Thái Nguyên về Đắk Nông. Tổ công tác cũng đã xin ý kiến và cho quay đầu về nơi xuất phát bởi trên xe có nhiều hành khách chưa được kiểm tra y tế theo quy định”, Thiếu tá Minh nói.
Là thành viên nữ duy nhất của chốt trực, chị Nguyễn Thanh Nga, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm đã trực đầy đủ cả 3 ca sáng sớm, giữa trưa và đêm khuya tại chốt số 5. Để có mặt đúng giờ làm nhiệm vụ, hằng ngày, chị Nga phải vượt hơn 20km từ nhà riêng ở quận Hoàng Mai sang. Mấy hôm nay, nền nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến gần 50 độ C nên việc đi lại có vất vả hơn.
“Nhiệm vụ cán bộ y tế là khá quan trọng nên có những ca trực như vào đêm 17-7, mật độ phương tiện qua khu vực đông, có khi chỉ kịp vào lều bạt uống hộp sữa là tôi và anh em đã lao vội ra bàn làm việc”, chị Nga chia sẻ.
Ghi nhận vào trưa 17-7, tại chốt trực, khi tổ công tác dừng xe khách biển kiểm soát 21B-008.34 từ Yên Bái về Hà Nội với gần 20 hành khách để khai báo y tế. Sau khi những người trên xe trình được giấy xét nghiệm âm tính (còn hiệu lực) và chứng nhận đã tiêm chủng, phát hiện trường hợp chị Âu Thị Thắm (sinh năm 2003) có thân nhiệt cao hơn 37 độ C, cán bộ y tế đã yêu cầu chị Thắm làm các xét nghiệm.
Trong quá trình khai báo, chị Thắm cho biết, có sử dụng thuốc chống nôn và người rất mệt, nên tổ công tác chia trứng, sữa là khẩu phần ăn uống hằng ngày để chị dùng cho lại sức. Khi cơ thể hồi phục, kết quả kiểm tra ban đầu đều âm tính với SARS-CoV-2 và thân nhiệt về mức cho phép, chị Thắm và chiếc xe khách đã được tạo điều kiện di chuyển tiếp. Trước khi lên xe, chị Thắm đã xúc động cảm ơn cả tổ công tác, còn lái và phụ xe thì vui mừng vì được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tiếp tục hành trình.
Cùng chung niềm vui này, anh Nguyễn Anh Tuấn, lái xe khách biển kiểm soát 37B-019.74 được tạo điều kiện di chuyển tiếp sau khi tất cả hành khách đều bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Anh Tuấn cho biết: “Việc kiểm soát trên tinh thần chung của cả nước nhưng khi lực lượng chức năng làm việc với thủ tục nhanh gọn, chuyên nghiệp tạo mọi điều kiện cho người dân đã khiến chúng tôi cảm phục. Nhất là khi biết chúng tôi qua nhiều vùng dịch, Tổ công tác đã xin ý kiến và cho nhà xe, hành khách ký biên bản cam kết phòng, chống dịch; đặc biệt, yêu cầu lái xe chấp hành theo quy định không dừng đón trả khách tất cả các đoạn đường từ Hà Nội về Nghệ An”.
Trong 4 ngày qua, tại chốt trực số 5 đã ghi nhận nhiều câu chuyện như thế. Trung tá Nguyễn Đức Thắng khẳng định, cả tổ công tác đều coi nhau như người thân, trực chốt được chia thành 3 ca. Ca 1 từ 6h sáng đến 12h trưa, ca 2 từ 12h trưa đến 18h và ca 3 từ 18h đến 6h sáng hôm sau. “Vì tính chất công việc nên lúc nào cũng tập trung hết sức, chỉ mong sao dịch bệnh qua nhanh, bình yên trở lại với Thủ đô và cả nước”, Trung tá Thắng nói.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được:
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.