Văn hóa

Một năm thành công của hợp tác Việt Nam - UNESCO, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 21/01/2025 - 18:08

Ngày 21-1, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và đề ra định hướng hoạt động năm 2025.

_1140505.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: HL

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương.

Buổi làm việc còn có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các thành viên Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam...

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam với UNESCO tiếp tục được củng cố, với 4 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao UNESCO sang Việt Nam, đặc biệt chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO vào tháng 10-2024 đã đưa mối quan hệ trở thành hình mẫu về hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO cho phát triển bền vững đất nước.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Vũ, năm 2024 cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm cương vị tại 6 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, thể hiện sự tin cậy của bạn bè quốc tế, uy tín, vị thế của đất nước và đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam cho công việc chung của Tổ chức.

_1140467.jpg
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HL

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO cũng đánh giá năm 2024 là một điểm sáng với việc ghi danh thêm 6 danh hiệu UNESCO - mức cao kỷ lục trong một năm, đưa số lượng danh hiệu của Việt Nam lên 71 danh hiệu, đứng đầu các nước Đông Nam Á, tạo thêm nguồn lực, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Vũ, việc ghi danh Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam”, Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương… không chỉ thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc, tư tưởng, nhân sinh quan của người Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực thực hiện sứ mệnh chung của UNESCO, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương và đất nước.

Đáng chú ý, việc vận động thành công UNESCO ủng hộ hồ sơ bảo tồn Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã mở ra khả năng tái hiện Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên, góp phần hiện thực hóa ước nguyện ngàn đời của cha ông ta, của thế hệ hiện tại và tương lai.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận về các khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp cũng như định hướng sắp tới để tăng cường hiệu quả hơn nữa hợp tác với UNESCO, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Hội nghị cũng xác định các định hướng trọng tâm, trong đó, nhấn mạnh việc thúc đẩy việc xây dựng và vận động cho các hồ sơ bảo tồn, hồ sơ đề cử di sản/danh hiệu mới, tạo nguồn lực cho sự phát triển của các địa phương, đất nước và nâng cao hình ảnh Việt Nam.

Cụ thể như hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Kỳ họp Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 47 (Bulgaria, tháng 7-2025); hồ sơ Nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ tại Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 (Ấn Độ, tháng 12-2025); các hồ sơ đề cử thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố sáng tạo…

_1140438.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: HL

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương khẳng định, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò điều phối, tư vấn, hỗ trợ và giám sát trong các hoạt động hợp tác với UNESCO; năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm thành công của hợp tác Việt Nam - UNESCO, tranh thủ nguồn lực cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nâng cao vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam vào nền văn minh của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm thành công của hợp tác Việt Nam - UNESCO, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.