(HNM) - Lên cầm quyền trong bối cảnh Malaysia phải đứng trước những thách thức bất ổn về chính trị và khó khăn kinh tế do hậu quả của đại dịch Covid-19, song Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã nhanh chóng triển khai hiệu quả nhiều kế hoạch giúp hàn gắn nội bộ, nâng cao đời sống nhân dân. Sau 1 năm nỗ lực, chính sách của tân thủ tướng đã mang lại "làn gió mới" với những đổi thay tích cực, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Trước khi Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob lên nắm quyền vào ngày 23-8-2021, Malaysia đã phải trải qua 3 năm khủng hoảng chính trị do bất đồng kéo dài giữa các đảng phái. Việc không đảng nào đủ uy tín để thu hút sự ủng hộ đa số tại Quốc hội khiến Chính phủ liên minh thường xuyên trong tình trạng lung lay, nhiều chính sách bị cản trở. Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến quốc gia này phải đối phó với những nguy cơ bất ổn xã hội do sự bất mãn của người dân trước những chủ trương không phù hợp gây quá tải hệ thống y tế. Cùng với đó, các biện pháp cách ly, phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.
Tiếp quản “chiếc ghế nóng” vào thời điểm không thuận lợi, Thủ tướng I.Yaakob đã ngay lập tức triển khai những chính sách cả ngắn hạn và dài hạn trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, Chính phủ đã chủ động dẹp bỏ những bất đồng với phe đối lập thông qua việc ký một thỏa thuận hợp tác lưỡng đảng, mang lại cho Malaysia sự ổn định chính trị, hướng tới sự phục hồi toàn diện. Nhờ có tinh thần hợp tác thiện chí giữa các đảng, Chính phủ có điều kiện tập trung vào việc khôi phục kinh tế.
Thông qua kế hoạch phát triển 10 năm được công bố đầu tháng 9-2021, Chính phủ mới đã đưa ra những ưu tiên tập trung vào tăng thu nhập, xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực, giảm khoảng cách phát triển giữa các bang và khu vực cũng như bảo đảm tăng trưởng có chất lượng và bền vững. Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cũng chú trọng tạo môi trường chính sách có lợi cho khu vực tư nhân, các nhà đầu tư; hướng đến tăng trưởng bao trùm và bảo đảm cơ chế phân phối của Chính phủ được tăng cường nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển.
Theo thống kê, quý II-2022, nền kinh tế Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 8,9% từ mức 5,0% trong quý I. Song song với đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia tính đến cuối quý II cũng tăng mức kỷ lục, đạt mức 836,2 tỷ RM (3,71 tỷ USD), so với 812,1 tỷ RM (3,56 tỷ USD) trong quý trước đó. Tổng kim ngạch ngoại thương năm 2021 tăng gần 25% và lần đầu tiên đạt 2.000 tỷ RM (gần 450 tỷ USD) sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 2 năm liên tiếp. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,1%, với tổng giá trị đạt 1.200 tỷ RM (270 tỷ USD)... Dựa trên những chỉ số tích cực của nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Tengku Abdul Aziz cho rằng, nền kinh tế Malaysia đang đi đúng hướng, bất chấp môi trường đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng cao hơn.
Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ của Thủ tướng I.Yaakob cũng nhận định, cần nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19 thông qua việc đẩy mạnh tiêm chủng, bao phủ vắc xin nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hiện, Malaysia nằm trong danh sách 20 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, người dân Malaysia đã có một lượng kháng thể nhất định, ít nhất là đủ để không bị tái nhiễm SARS-CoV-2, hoặc có nhiễm thì chỉ ở thể nhẹ.
Những quyết sách của Thủ tướng I.Yaakob trong 1 năm qua đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Nhiều ý kiến khẳng định, ông đã mang lại “làn gió mới” cho Malaysia. Sự điều hành của Chính phủ phù hợp với quan điểm cốt lõi là hòa nhập, chung sức và biết ơn, đồng thời luôn cân nhắc đến quan điểm của mọi nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.