Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một mình doanh nghiệp chưa đủ

Tùng Linh| 15/04/2010 07:04

(HNM) - Hưởng ứng Tháng hành động, TƯ Hội BVNTD kêu gọi người dân phối hợp cùng với thanh tra các ngành liên quan trong việc phát hiện tiêu cực, đồng loạt tẩy chay không chỉ sản phẩm mà cả doanh nghiệp vi phạm.

* Hội Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp vi phạm
(HNM) - Hưởng ứng Tháng hành động, TƯ Hội BVNTD kêu gọi người dân phối hợp cùng với thanh tra các ngành liên quan trong việc phát hiện tiêu cực, đồng loạt tẩy chay không chỉ sản phẩm mà cả doanh nghiệp vi phạm. 

Rất nhiều quầy bán thực phẩm chưa bảo đảm ATVSTP. Ảnh: Đàm Duy


Thông tin về các loại thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng như kẹo mút phát sáng có chứa chất gây ung thư, gần 13% sản phẩm rau, 5-15% quả lưu thông trên thị trường có tồn dư hóa chất... liên tục xuất hiện, khiến người dân chưa thể yên lòng về công tác bảo đảm ATVSTP. Bởi thế, dù Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm nay mang chủ đề "Giữ vững cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp với ATVSTP" (từ ngày 15-4 đến 15-5), tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, thì nhiều ý kiến vẫn cho rằng chỉ một mình doanh nghiệp thôi chưa đủ.

Nhiều mô hình, ít hiệu quả

Thực phẩm bẩn xuất hiện ngày càng nhiều

11,65-13% sản phẩm rau, 5-15,15% quả có tồn dư hóa chất bảo vệ thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép; gần 24% trong số 1.393 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có vi phạm, trong đó 40-50% lỗi vi phạm về điều kiện vệ sinh, gần 14% về chỉ tiêu vệ sinh. Kết quả kiểm nghiệm tại Hà Nội cho thấy, 8 trong số 72 mẫu thịt lợn và 10/72 mẫu thịt gà phát hiện có dư lượng chất cấm sử dụng Clenbuterol...

Tại hội thảo về công tác truyền thông chiều 14-4, Cục phó Cục ATVSTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được không ít mô hình (MH): 645 về thức ăn đường phố; 629 truyền thông cộng đồng; 231 làng văn hóa sức khỏe, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; 150 chợ điểm; 270 bếp ăn tập thể; 27 MH rau an toàn; 193 MH bảo đảm ATVSTP trong trường học... Từ những MH này, người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm ATVSTP; các vụ ngộ độc thực phẩm giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, hiệu quả của một số MH chưa thật cao.

Những khó khăn khi triển khai các MH đã tác động không nhỏ đến hiệu quả của nó. Ví như, trong sản xuất nông nghiệp, MH sản xuất an toàn được triển khai chủ yếu ở hộ nông dân (70%), sản xuất nhỏ lẻ nên khó đầu tư đồng bộ về giống, cây trồng, vật nuôi cũng như việc áp dụng các biện pháp canh tác, nuôi trồng theo quy cách bảo đảm ATTP. "Đầu ra" của sản phẩm an toàn cũng chưa được chấp nhận phổ biến mặc dù giá chỉ cao hơn chút ít so với sản phẩm canh tác thông thường. Thực tế này dẫn đến việc số lượng sản phẩm an toàn còn hạn chế, trong khi lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường còn mất an toàn khá cao. Hậu quả, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm trung bình hiện nay là 6,08/100.000 dân với tỷ lệ tử vong là 0,04/100.000 dân/năm. Đáng lưu ý, số người mắc tập trung chủ yếu tại các bếp ăn tập thể, đám cưới, giỗ... Số người chết do 5 bệnh truyền qua thực phẩm (tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy và thương hàn) cũng lên đến hàng trăm.

Tẩy chay cả sản phẩm lẫn doanh nghiệp
Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm nay có chủ đề "Giữ vững cam kết, trách nhiệm của doanh nghiệp với ATVSTP" với mục đích nâng cao hơn nữa ý thức của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm ATVSTP. Tuy nhiên, ông Đỗ Gia Phan, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (BVNTD) nêu quan điểm, trách nhiệm này còn của cả người tiêu dùng: "Chỉ cần người tiêu dùng có ý thức vì lợi ích cộng đồng, có kiến thức nhất định về chất lượng ATVSTP, có cơ chế rõ ràng thì họ có thể giúp cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, chính xác những vi phạm". Cũng theo ông Đỗ Gia Phan, nếu người tiêu dùng tẩy chay những sản phẩm kém chất lượng thì doanh nghiệp không thể tiếp tục vi phạm các quy định. Đơn cử như vụ việc một công ty ghi nhãn sữa hoàn nguyên thành sữa tươi nguyên chất thời gian qua đã làm cho người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm, khiến các doanh nghiệp sản xuất sữa nước giảm tới 40% sản lượng, công nhân phải nghỉ việc... Trong vụ việc này, rõ ràng, thái độ, hành vi, sức mạnh tập thể của người tiêu dùng đã có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.

Rất nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm giả thời gian gần đây như mực tẩy hóa chất, trứng gà giả... làm đau đầu cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Thực phẩm giả ở đây còn bao hàm cả những thực phẩm không đạt chất lượng như công bố trên bao bì của doanh nghiệp (vụ nhãn sữa vừa nêu trên là ví dụ).
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), muốn xử lý triệt để các hành vi gian lận trên, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, nhất là mức xử phạt. Lý giải cho đề nghị này, vị đại diện cho rằng, thực tế hiện nay, hành vi sản xuất hàng giả, trong đó có thực phẩm giả, rất tinh vi với thành phần và chất lượng rất khó xác định mức độ gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này đã dẫn đến hiệu quả xử lý các vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả về hình sự rất thấp. Rõ ràng, chỉ có xử phạt thật nặng, hy vọng vấn nạn thực phẩm giả, kém chất lượng mới có thể "hẹp" đất sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một mình doanh nghiệp chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.