(HNM) - Sân khấu Lệ Ngọc vừa ra mắt vở kịch “Huyền thoại gò Rồng Ấp” sau hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang như “Tấm Cám”, “Thị Nở - Chí Phèo”, “Ngũ biến”… Bước vào đề tài lịch sử, về vua Lý Công Uẩn đã xuất hiện nhiều trên sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung, sân khấu Lệ Ngọc đã chọn lựa khai thác ở lát cắt khác - sự ra đời của vị vua khai sinh triều Lý.
Đây là lựa chọn thu hút tò mò của công chúng, bởi sự ra đời của vua Lý Công Uẩn vẫn luôn là câu chuyện kỳ bí. Kịch bản “Huyền thoại gò Rồng Ấp” được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ phóng tác từ những huyền tích trong dân gian. Cũng chính vì thế, không gian kịch được dẫn dắt khá ly kỳ.
Từ việc mộ cha mẹ cô gái giúp việc tại chùa Tiêu Phạm Thị Ngà được an táng tại gò Rồng Ấp - nơi tương truyền có huyệt đất thiêng, vở diễn mở ra những câu chuyện bí hiểm liên tiếp như Phạm Thị Ngà thụ thai nhiệm màu trong lễ hội phồn thực của địa phương và sau này sinh ra vua Lý Công Uẩn; hay những lần may mắn thoát chết của người mẹ này khi bị truy đuổi, hãm hại…
Nhân vật trung tâm của vở diễn không phải là vua Lý Công Uẩn mà là thân mẫu Phạm Thị Ngà với hành trình bảo vệ, chở che để sinh ra vị vua vĩ đại trong lịch sử dân tộc. “Bên cạnh việc lý giải sự ra đời của vua Lý Thái Tổ, tác phẩm còn truyền tải thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng”, tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.
Và vì thế, có rất nhiều tình huống kịch được tạo nên để khắc họa rõ nét sự hy sinh của người mẹ dành cho con. Đó là tình huống Thị Nhài - con gái phú hộ Hồng Kỳ cũng mang thai cùng thời điểm với Thị Ngà, rồi nhà phú hộ tình cờ nghe lỏm được lời tiên tri về việc con của Thị Ngà sẽ làm nên nghiệp đế nên đã tìm cách hoán đổi mệnh trời. Họ đã dùng mọi thủ đoạn hãm hại nhưng Thị Ngà đã can trường, quả cảm bảo vệ đứa con trong bụng và hy sinh thân mình để con được chào đời khỏe mạnh. Chi tiết người mẹ quyết định lấy mảnh sành rạch bụng để con chào đời vì biết mình sức cùng, lực kiệt, khó có thể sinh nở bình thường, gây xúc động với hầu hết khán giả.
Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên - vốn là đạo diễn quen thuộc của sân khấu cải lương, được mời đạo diễn vở kịch nói này, đã kết hợp hai phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện ước lệ để tạo màu sắc mới cho vở diễn. Một điểm thú vị của tác phẩm là đã tái hiện được xã hội Việt Nam thời kỳ phong kiến. Ngoài những xung đột, mâu thuẫn đặc trưng giữa tầng lớp quan lại, phú hộ, cường hào với dân nghèo thì vở diễn còn cho người xem cảm nhận về các phong tục, tập quán của người Việt xưa...
Đây là tác phẩm được đầu tư, chăm chút khá kỹ về mặt tạo hình. Trang phục được thiết kế riêng, theo đúng họa tiết, hoa văn thời Lý và trước đó. Âm nhạc có sự kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình truyền thống ở Bắc Bộ. Sân khấu được thiết kế tối giản, ít đạo cụ, có chiều sâu của sự huyền ảo, bí hiểm.
Vở diễn sẽ tiếp tục phục vụ khán giả từ ngày 17 đến 20-8, tại Rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hà Nội) và ngày 4, 5-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.