(HNMO) - Nếu bỏ qua Siem Reap, coi như bạn chưa đặt chân đến Campuchia. Nếu bỏ qua những ngôi đền huyền bí tại đây, coi như bạn chưa bao giờ biết đến những điều vĩ đại nhất của nền văn minh Angkor huy hoàng.
Lần đầu tiên tôi nhìn Siem Reap từ cửa sổ máy bay, vùng đất bạt ngàn rừng, tràn ngập gió và kì vĩ tháp này hiện ra thật thanh bình nhưng đầy quyến rũ, bí ẩn.
Có thể không ngoa khi nói rằng đa số những chuyến du lịch đến Siem Reap của du khách chủ yếu là để được nhìn tận mắt quần thể kiến trúc Angkor - công trình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và là kỳ quan nhân tạo của thế giới. Quần thể kiến trúc Angkor có hàng trăm đền đài, trong đó các ngôi đền cổ nổi tiếng như Angkor Wat, Bayon, Ta Keo, Ta Prohm… đều chỉ cách thành phố Siem Reap chừng nửa giờ đi xe tuk-tuk.
Gần một ngàn năm trước, giữa khu rừng già, quần thể đền đài, kinh thành mang đậm đặc kiến trúc Khmer đã được ra đời. Angkor Wat là ngôi đền lớn nhất, đẹp nhất và linh thiêng nhất nơi đây.
Từ xa, đền nổi bật với 5 ngọn tháp mang hình dáng như 5 đóa sen đang nở, in đậm trên nền trời trong xanh. Bên ngoài đền được trang trí bằng những tượng đầu rắn Naga. Bên trong được trang trí bằng những bức tượng Phật, dọc trên hành lang trải dài là hàng trăm bức phù điêu sử thi Ấn Độ và hàng ngàn bức tượng vũ nữ Apsara (còn được gọi là những vũ công trên thiên đường) mang dáng vẻ hoàn toàn khác nhau về nét mặt cũng như tư thế múa.
Cùng với hào nước bao quanh và lớp rừng cây xanh mướt mọc bên trong các bức tường dài hàng trăm mét, Angkor Wat chưa bao giờ mất đi vẻ cổ kính huy hoàng dù gần ngàn năm đã trôi qua.
Mỗi bước chân trên nền đá của các đền đài ở Angkor trong tôi lại thêm một câu hỏi về chuyện người Khmer xưa đã làm thế nào tạo ra Angkor kỳ vĩ thế này? Đứng trên đỉnh tháp cao nhất, phóng tầm mắt ra xa nhìn toàn cảnh khu đền, tôi như được sống lại một thời hưng thịnh và phát triển của những triều đại đã qua.
Thật khâm phục người xưa. Có đến cả triệu khối đá sa thạch, khối nhỏ vài trăm cân, khối lớn vài tấn được chạm trổ cực kỳ tinh vi và được ráp vào nhau khít khịt mà không cần bất cứ một chất kết dính nào.
Nếu như Angkor Wat khiến tôi choáng ngợp bởi nét kiến trúc đồ sộ, tinh xảo và công phu của người Khmer thì Ta Prohm mang đến một cảm giác sinh sôi mãnh liệt của cây rừng, của đất mẹ tự nhiên trền nền đá rắn chắc.
Trải qua gần 10 thế kỷ Ta Prohm chỉ còn là một phế tích giữa rừng già thâm u nhưng nổi tiếng nhờ những bộ rễ cây đại cổ thụ như con rắn khổng lồ ôm trọn và xuyên sâu vào bên trong những khối gạch thân đền.
Những bộ rễ cây một góc đền Ta Prohm đang làm đau đầu các nhà bảo tồn: Nên giữ đền hay giữ cây? Ta Prohm càng thu hút nhiều du khách tới tham quan hơn khi nơi đây là địa điểm quay ngoại cảnh chính của bộ phim Hollywood đình đám “Tomb Raider” (Bí ẩn ngôi mộ cổ - 2001) với nữ diễn viên chính Angelina Jolie…
Mỗi người, mỗi độ tuổi cảm nhận về Angkor một cách khác nhau nhưng đã đến đây đều bị mê hoặc bởi sự lãng mạn, trầm mặc mà kỳ vĩ của phế tích. Dù có chụp cả nghìn bức ảnh cũng không đủ để diễn tả vẻ đẹp của cả một nền văn minh Khmer cổ đại.
Hình như có một nỗi buồn man mác toát lên trên những phiến đá ở Angkor. Ngay cả tượng Bayon bốn mặt tuy nở nụ cười nhưng sao vẫn thấy nét buồn xa xăm trong ánh chiều tà.
Không chỉ riêng tôi, hàng triệu con người trên khắp thế giới đã đến đây, chiêm ngưỡng, đối mặt và ra về với câu hỏi bất tận về ý nghĩa của nụ cười ấy. Phải chăng tượng buồn vì thời hoàng kim của đế chế Angkor đã đi vào dĩ vãng?
Tôi rời Angkor Wat khi trời đã tối hẳn. Ai đó đã nói, mỗi công trình ở Angkor Wat được xây nên để ban phước lành và hạnh phúc cho những người dành thời gian đến với quần thể vĩ đại này.
Tôi tin điều đó đúng. Đất lành chim đậu, Angkor Wat là nơi tập trung những tiếng chim trong lành nhất, những con người tuyệt vời và an yên nhất. Đó là lý do vì sao dù đã trải qua nhiều biến cố nơi đây vẫn còn vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa yên bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.