Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một họa sĩ châm biếm tài hoa, vui tính

Phong Hà| 17/10/2022 14:30

(HNNN) - Trời Hà Nội những ngày thu tháng Mười thật đẹp. Khi Báo Hànộimới chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày xuất bản số báo hằng ngày đầu tiên, tôi bỗng nhớ về cái thời đất nước còn bị chia cắt, Hà Nội kiên cường đánh trả chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Ngày ấy, hầu như số báo nào cũng đăng tranh cổ động, tranh đả kích đế quốc Mỹ của họa sĩ Lê Văn Hiệp, cây bút châm biếm nổi tiếng thời đó, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc.

Họa sĩ Lê Văn Hiệp thời trẻ.

Vẽ bằng tay trái

Họa sĩ Lê Văn Hiệp (1940-2008), Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, cây bút châm biếm nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng biếm họa trong nước và quốc tế. Ông sinh trưởng trong gia đình có truyền thống văn hóa - nghệ thuật. Cha ông là học giả Lê Văn Hòe, là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, tác giả cuốn “Truyện Kiều” chú giải đồ sộ cùng nhiều sách khảo cứu về lịch sử, văn hóa, giáo dục có giá trị. Lê Văn Hiệp được học vẽ từ bé, có “tật” vẽ bằng tay trái. Thầy giáo - họa sĩ Lương Xuân Nhị nhiều lần nhắc nhở nhưng trò Hiệp vẫn chứng nào tật nấy. Có mặt thầy thì ông vẽ bằng tay phải, vắng thầy ông lại đổi bút sang tay trái. Năm 1957, khi Lê Văn Hiệp mới 17 tuổi, ông được nhận vào làm họa sĩ trình bày Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hànộimới).

Thời ấy làm makét báo thủ công, họa sĩ phải đếm chữ thiết kế bài vào từng khuôn giấy, rất kỳ công. Báo ra hằng ngày nên buộc họa sĩ và bộ phận Thư ký tòa soạn phải thức đêm làm việc để kịp in, phát hành. Bên cạnh việc trình bày báo, Lê Văn Hiệp còn dụng công vẽ những vi-nhét (hình vẽ trang trí) “Anh giải phóng quân đội mũ tai bèo ngắm bắn giặc” cho chuyên mục “Tin chiến sự miền Nam”; vi-nhét “Máy bay Mỹ bốc cháy” cho chuyên mục “Tin bắn rơi máy bay Mỹ ở miền Bắc”. Những hình vẽ tuy nhỏ nhưng rất sinh động, hấp dẫn.

Có hôm máy bay Mỹ bị ta bắn rơi trong đêm, tin về tòa soạn rất khuya, Lê Văn Hiệp lại vắt óc suy nghĩ, sáng tác tranh đả kích, tranh cổ động đến gần sáng mới xong, kịp lên khuôn in vào số báo hôm sau. Lúc đó Hà Nội trong chế độ thời chiến, nên Ban Thư ký tòa soạn thường xuyên làm việc thâu đêm suốt sáng. Những đêm làm việc căng thẳng, họa sĩ Lê Văn Hiệp thường tếu táo nói chuyện tiếu lâm tạo nên tiếng cười sảng khoái, xua đi nỗi mệt mỏi, buồn ngủ của anh em cùng làm. Lê Văn Hiệp là người vui tính, khôi hài. Người đang cáu giận, gặp Lê Văn Hiệp cũng phải cười vui vì những câu nói khôi hài của ông.

Nhằm tạo sắc thái riêng cho tờ báo Đảng của Thủ đô, Ban Biên tập lúc đó chủ trương vừa dùng ảnh chụp vừa dùng các bức ký họa để minh họa cho các bài phản ánh, phóng sự về quân dân Hà Nội sản xuất và chiến đấu. Vậy là cùng với tay máy ảnh kỳ cựu Trần Châu và các phóng viên ảnh khác, Lê Văn Hiệp đạp xe đến các trận địa pháo phòng không, đến các nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp, các công trình xây dựng... Ký họa nhanh không khí làm việc và sẵn sàng chiến đấu của người Hà Nội, rồi ông lại tức tốc đạp xe về tòa soạn trình duyệt để kịp tối lên makét. Chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ lấm lem bùn đất đã cùng ông rong ruổi khắp nội ngoại thành và nước da của ông cũng bắt đầu sạm đi vì nắng gió.

Đêm thức làm makét báo, nhưng sáng hôm sau ông lại có mặt tại tòa soạn, sẵn sàng nhận chỉ đạo của Ban Biên tập đi vẽ ở nơi này, chỗ kia. Vất vả nhưng hừng hực khí thế là những ngày Hà Nội bắn rơi nhiều “pháo đài bay” B52. Trong tiếng đùng đùng của đạn bom, của súng pháo các loại, ông đội mũ sắt đạp xe xuống Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, lên Ngọc Hà, băng sang Đông Anh, Gia Lâm, đến các trận địa pháo phòng không... và tức tốc ký họa không khí vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu của Thủ đô; vạch trần tội ác của giặc Mỹ; ghi lại cảnh xác “pháo đài bay bất khả xâm phạm” nằm chỏng chơ như đống sắt vụn. Trong bom đạn hiểm nguy rình rập, vất vả dưới nắng mưa, Lê Văn Hiệp vẫn khôi hài, vẫn cười vui - nụ cười lạc quan của một người Hà Nội.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm và làm việc với Báo Hànộimới (họa sĩ Lê Văn Hiệp, người ngoài cùng bên phải).

Kiên quyết chống cái ác và thói xấu

Nhiều tranh cổ động của Lê Văn Hiệp được đăng trang nhất của Báo Hànộimới (chẳng hạn như tranh ta bắn rơi chiếc máy bay thứ 4.000 của Mỹ) và được Sở Văn hóa - Thông tin phóng khổ lớn, treo ngay ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, gây hiệu ứng tuyên truyền cổ động mạnh mẽ.

Lê Văn Hiệp chủ yếu vẽ bằng bút máy (bút sắt) và ông có thể ngồi bất cứ nơi nào như bãi cỏ, vỉa hè, quán cà phê để vẽ. Ông vẽ tranh đả kích Mỹ - ngụy qua mấy đời Tổng thống Hoa Kỳ, số lượng tranh ngày một dày lên. Năm 1966, Lê Văn Hiệp kết hợp cùng Nguyễn Nghiêm tổ chức một triển lãm tranh đả kích Mỹ - Diệm tại số 10 phố Hàng Đào, thu hút nhiều lượt người đến xem dù lúc đó máy bay Mỹ vẫn điên cuồng oanh tạc Hà Nội.

Theo nhà báo Thọ Cao (Báo Hànộimới), khi nhận được thông tin từ đồng nghiệp Báo Thống Nhất ở miền Nam rằng: Tòa án thời Ngô Đình Diệm đã tuyên án tử hình vắng mặt Lê Văn Hiệp vì đã vẽ nhiều tranh đả kích Mỹ - Diệm, họa sĩ Lê Văn Hiệp cười lớn: “Đợi đấy! Cách mạng sẽ tử hình lũ đế quốc xâm lược và chế độ tay sai của các ngươi!”.

Lê Văn Hiệp còn vẽ nhiều tranh châm biếm đả phá các thói hư tật xấu trong xã hội, chống thói quan liêu, cửa quyền, tham ô, tham nhũng với nét bút sắc sảo, trào lộng. Báo Hànộimới dạo ấy ngày nào cũng dành một góc trang đăng tranh châm biếm của Lê Văn Hiệp cùng các họa sĩ khác.

Tranh châm biếm của họa sĩ Lê Văn Hiệp.

Vẽ là niềm đam mê bất tận

Theo nhà văn Lê Tấn Hiển (nguyên cán bộ Ban Thư ký tòa soạn Báo Hànộimới), em trai họa sĩ Lê Văn Hiệp, dường như ông Hiệp sinh ra đã có niềm đam mê hội họa đến kỳ lạ. Và, dường như chưa bao giờ ông bằng lòng với nét bút, hình họa, màu sắc trong tác phẩm của mình mặc dù ngoài tranh biếm họa ông còn vẽ nhiều tranh sơn dầu, màu nước với những phong cảnh, tĩnh vật được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong những lần về quê ở Chương Mỹ, họa sĩ Lê Văn Hiệp thường đi chợ Chuông ở Thanh Oai thăm thú và ký họa hàng chục bức tranh cảnh họp chợ với những dáng người đứng, ngồi đa dạng. Vẽ xong, ông lại tặng tranh cho người dân bán nón Chuông khiến họ vui mừng, có khi họ còn phấn khởi hơn việc bán đắt hàng tại phiên chợ.

Không ít lần đang đi ngoài đường, hoặc đang ngồi uống cà phê, phát hiện khung cảnh đẹp, một dáng người với tạo hình độc đáo, Lê Văn Hiệp liền rút bút máy tức tốc ký họa. Có người hỏi: “Sao lúc nào anh cũng vẽ nhỉ?”, ông từ tốn nói: “Vẽ chính là học tập. Vẽ nhiều giúp cho hình họa ngày càng vững hơn”. Đến chơi nhà ông, ngay cả khi ông đã nghỉ hưu, hầu như lúc nào cũng thấy ông miệt mài vẽ - một sự đam mê hội họa suốt cuộc đời.

Trong suốt quá trình làm báo, miệt mài lao động nghệ thuật, họa sĩ Lê Văn Hiệp đã được trao nhiều giải thưởng trong và ngoài nước: Giải thưởng Triển lãm tranh biếm họa quốc tế ở Cu Ba (1970), Trung Quốc (1972), Liên Xô (1975); giải Nhất cuộc thi “Sáng tác tranh đả kích và châm biếm các tệ nạn xã hội” do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức (2005) cùng nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

“Nhớ tới một người, để nhớ mọi người”. Nhớ họa sĩ Lê Văn Hiệp, cũng là nhớ tới và tri ân những người làm Báo Hànộimới một thời, tuy khó khăn, vất vả nhưng lạc quan, đoàn kết, trách nhiệm, hết lòng vì tờ báo Đảng và bạn đọc Thủ đô, tạo tiền đề cho sự phát triển tích cực của Báo Hànộimới hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một họa sĩ châm biếm tài hoa, vui tính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.