Sớm giác ngộ và hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi trong phong trào đấu tranh của nhân dân ta đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925), để tang cụ Phan Châu Trinh (1926) và cũng từ năm 1926 đã đứng trong hàng ngũ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trở thành đảng viên của Đông Dương cộng sản Đảng (năm 1929), đồng chí Lê Đức Thọ thuộc lớp các nhà cách mạng tiền bối và là một chiến sĩ trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng ta
1. Sớm giác ngộ và hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi trong phong trào đấu tranh của nhân dân ta đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925), để tang cụ Phan Châu Trinh (1926) và cũng từ năm 1926 đã đứng trong hàng ngũ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trở thành đảng viên của Đông Dương cộng sản Đảng (năm 1929), đồng chí Lê Đức Thọ thuộc lớp các nhà cách mạng tiền bối và là một chiến sĩ trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng ta. Trải qua các thời kỳ cam go của cách mạng và thường “được Đảng điều động đến những nơi, những lúc và những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng”, đồng chí Lê Đức Thọ là một người cộng sản, một nhà lãnh đạo kiên trung, tận tụy của Đảng ta.
15 năm bị đày ải tại các địa ngục trần gian nơi lao tù đế quốc ở Côn Đảo, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, đối với Lê Đức Thọ, đó là “khó khăn lớn nhất”, “thử thách lớn nhất” “trước sự tra tấn hết sức dã man của kẻ thù” nhưng không phải là giữ tính mệnh của mình mà theo đồng chí, là “để giữ được cơ sở cách mạng”. Khi thoát khỏi ngục tù đế quốc và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ yếu của cách mạng Tháng Tám, đồng chí đã góp phần quan trọng giúp trung ương bố trí, phát triển lực lượng Đảng, đoàn thể, xây dựng chính quyền cách mạng ngay từ ngày đầu lập nước.
Đồng chí Lê Đức Thọ với nụ cười chiến thắng sau Hội nghị đàm phán tại Paris (Pháp). Ảnh: Corbis
Năm 1946, cùng với phái đoàn của trung ương, đồng chí đã đi bộ, băng rừng, lội suối vượt Trường Sơn, từ Việt Bắc vào đến Đồng Tháp Mười, “một chuyến đi đầy khó khăn, gian khổ” trong sự truy đuổi của kẻ địch, “một số đồng chí hy sinh và bản thân cũng suýt chết”, để thực hiện sự phân công của Đảng với nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện và đào tạo cán bộ, đồng thời giúp các đồng chí Campuchia thành lập một đảng riêng theo chủ trương của trung ương là tách Đảng Cộng sản Đông Dương ra thành ba đảng.
Từ đó, đồng chí Lê Đức Thọ đã gắn bó với nhân dân miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần lãnh đạo cuộc chiến đấu hết sức cam go nhưng đã làm rạng rỡ tên gọi “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác Hồ đã tặng cho nhân dân miền Nam. Cùng với đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Lê Đức Thọ là nhà lãnh đạo đứng mũi chịu sào trong cuộc kháng chiến ở Nam bộ đến giờ phút chót sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương Đảng ủy thác là tham gia tổ chức việc chuyển quân tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve (1954) và bố trí đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống bộ máy tổ chức Đảng ở miền Nam làm cơ sở cho cuộc chiến đấu lâu dài chống xâm lược Mỹ sau này.
Trong chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Đức Thọ lại vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam với vai trò Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân, năm 1968, đồng chí được Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Bộ Chính trị gọi về tham gia cuộc đàm phán, vừa đấu trí vừa đấu lực, kéo dài 5 năm ở Hội nghị Paris trong vai trò Cố vấn đặc biệt nhưng có tiếng nói quyết định trong đàm phán bởi quyền hạn và tính đại diện cao được Đảng ta trao cho đồng chí. Trong lĩnh vực mới mẻ và phức tạp này, đồng chí lại tỏ ra bản lĩnh, tài năng và đã có công lao với thành tích xuất sắc trong thực hiện mưu lược “vừa đánh vừa đàm” của Đảng ta, xứng đáng với sự tin cậy của Bác Hồ và của Đảng ta.
Lần thứ ba đồng chí Lê Đức Thọ vào miền Nam để phổ biến nghị quyết của Đảng về cuộc Tổng tiến công lịch sử và cùng với một số đồng chí thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia chỉ huy trận quyết chiến điểm giải phóng Sài Gòn mùa xuân 1975.
2. Đi từ đầu tới cuối trong cuộc trường chinh vì độc lập, tự do của dân tộc dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ một người yêu nước trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, rồi đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng phụ trách công tác tổ chức của Đảng và trực tiếp tham gia chỉ đạo cách mạng trên cả các lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao, ở lĩnh vực nào đồng chí cũng là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng ta có công đầu với những đóng góp rất quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Đồng chí Lê Đức Thọ vẫn cho rằng mình là người may mắn được sống tới ngày Tổ quốc được thống nhất hoàn toàn. Bởi, theo đồng chí, có “Biết bao nhiêu đồng chí, kể cả Hồ Chủ tịch là người lãnh đạo, phần lớn đã không còn. Tôi là một số ít người lãnh đạo còn sống sót... Rồi hàng triệu người ngã xuống, biết bao nhiêu đau thương của đất nước để giành cho được độc lập tự do... cuộc đời hoạt động của tôi thật nhỏ bé so với sự nghiệp vĩ đại của hàng triệu người”. Và, từ đó, đồng chí kết luận rằng: “Thực ra, đời hoạt động của tôi so với sự nghiệp của nhân dân tôi, sự nghiệp của cách mạng, thì có thể nói rằng, nó là một giọt nước trong biển cả”. Đồng chí Lê Đức Thọ đã nói vậy với nữ phóng viên Hãng thông tấn UPI nhân kỷ niệm lần thứ 10 ngày giải phóng miền Nam.
Có lẽ để hiểu “một giọt nước” Lê Đức Thọ trong “biển cả”, xin nêu mấy câu thơ trong bài thơ “Người mẹ” của đồng chí, viết năm 1948 trên đường vào Nam:
“Chơ vơ chiếc quán ven đường
Cột gầy xiêu vẹo, chõng hàng lung lay
Mẹ ngồi đong bát nước đầy
Tay run lẩy bẩy mình gầy xác ve
.....
Chưa quen như đã quen rồi
Nhìn con âu yếm nụ cười thương con
Ra đi vì nước rửa hờn
Thù chung đời mẹ vẫn còn ghi sâu.
.....
Chúng con là những kẻ không nhà
Tình yêu xa lắm mẹ già nơi quê
Chiến binh dù hẹn ngày về
Máu xương giữ trọn lời thề năm xưa
.....
Xa xa mẹ vẫn trông theo
Sương lam mờ núi ánh chiều dần tan
Hôm nay nhớ mảnh lòng vàng
Nhớ người mẹ với muôn vàn yêu thương
(Vinh, 1-1948)
Không phải là người làm thơ và bình thơ, nhưng lần đầu tiên khi đọc bài thơ này của đồng chí Lê Đức Thọ, tôi thấy thật bất ngờ, trong cách viết, cách thể hiện. Đó là sự đan xen giữa các khổ thơ mới và thơ lục bát để khi đọc lên, dường như thấy tác giả vừa tâm sự, vừa hát ru khi nói về mẹ như lời ru của mẹ, của những người mẹ Việt Nam - “người mẹ tình thương muôn nẻo ấy” - mà tác giả - người chiến sĩ Lê Đức Thọ - đã cảm nhận được.
Nghiên cứu về sự nghiệp và cống hiến của Lê Đức Thọ cho tới khi đọc tới bài thơ này thì tôi hiểu, hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và cả điều đồng chí đã nói: đời mình là “một giọt nước trong biển cả”.
Vâng, “một giọt nước” tồn tại được khi nó ở “trong biển cả” lòng dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.