(HNM) - Để đến Đam Rông - huyện nghèo nhất của tỉnh Lâm Đồng và là một trong 60 huyện nghèo nhất cả nước, phải vượt cả quãng đường dài cả trăm kilômét từ Đà Lạt.
Đã thế, đèo Phú Sơn với những khúc cua tay áo có thể làm khó bất kỳ bác tài nào.
Cũng một phần vì giao thông không thuận lợi, cộng với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tình trạng di cư chưa được kiểm soát... nên những năm qua, nỗ lực giảm nghèo của Đam Rông phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Tư vấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người dân. |
Với mong muốn phần nào giúp đỡ Đam Rông khắc phục khó khăn để tự vươn lên, từ tháng 4-2013, Tổ chức Marie Stopes International đã triển khai dự án "Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình (SKSS - KHHGĐ) cho người dân vùng khó khăn". Trên thực tế, dự án được Liên minh Châu Âu (EU) và Marie Stopes International tài trợ này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi khi đi khám chữa bệnh và cải thiện thái độ của đội ngũ cán bộ y tế địa phương đối với công tác chăm sóc bệnh nhân. Sở dĩ dự án tập trung vào nội dung SKSS - KHHGĐ là vì tỷ lệ sinh con thứ 3 trong các hộ gia đình ở Đam Rông rất cao, trong khi kiến thức về SKSS - KHHGĐ của người dân còn thấp. Nhiều gia đình nghèo thu nhập chưa đầy 7 triệu/năm vẫn không có ý định KHHGĐ. Đây là một trong những yếu tố ngăn cản nỗ lực thoát nghèo của Đam Rông.
Theo Giám đốc dự án Nguyễn Minh Đức, tại các khu vực đặc biệt khó khăn của Việt Nam, người dân hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các dịch vụ công lập, đặc biệt là chăm sóc y tế. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực và đầu tư lớn để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở nhưng vẫn còn những rào cản trong tiếp cận dịch vụ SKSS - KHHGĐ tại các trạm y tế xã. Vì vậy, phần lớn người dân chưa có nhận thức đầy đủ về nhu cầu chăm sóc SKSS. Điều này dẫn đến việc nhiều người dân quyết định tiếp cận dịch vụ y tế tuyến cao hơn, làm tăng thêm tình trạng quá tải cục bộ cho hệ thống khám chữa bệnh và tăng gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho các gia đình vốn đã rất nghèo.
Để triển khai dự án một cách hiệu quả, Marie Stopes International cùng với Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng, đào tạo một mạng lưới đội ngũ cán bộ phối hợp nhịp nhàng ở các cấp, trong đó các truyền thông viên và thúc đẩy viên đóng vai trò quan trọng. Đây đều là những cán bộ, nhân viên y tế của địa phương, năng động và nắm chắc kiến thức về chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Bên cạnh việc tổ chức các buổi tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ y tế để góp ý và giải trình về chất lượng dịch vụ y tế theo định kỳ 3 tháng 1 lần, đội ngũ này còn có nhiệm vụ đi tới từng hộ dân phổ biến kiến thức về SKSS - KHHGĐ. Anh Ha Đim, một truyền thông viên, tại xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông, cho biết ban đầu việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn do người dân hầu như không có khái niệm về KHHGĐ. Để thay đổi suy nghĩ, tập tục của họ không phải đơn giản. Ngoài ra, việc kêu gọi người dân tham gia vào các buổi tiếp xúc trong giai đoạn mùa vụ cũng là một vấn đề. Tuy nhiên, với sự cố gắng của mạng lưới cán bộ, nhân viên tham gia dự án, sau một thời gian, các hoạt động đã dần đi vào nền nếp. Cả người dân và đội ngũ y tế của huyện đã dần hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của họ. Vì vậy, chất lượng dịch vụ y tế đã tăng lên đáng kể. Theo chị Dương Nguyễn Bảo Trinh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Rô Men, huyện Đam Rông trong thời gian đầu tiên, các cán bộ y tế tại trạm cũng chịu rất nhiều áp lực phải thay đổi cách làm và tác phong phục vụ. Thế nhưng, giờ đây họ đã nhận ra rằng, dù có mất công sức nhiều hơn song nếu công tác tư vấn tốt hơn, thái độ tiếp cận bệnh nhân tốt hơn sẽ giúp họ đỡ phải giải quyết những rắc rối sau này.
Đến với Đam Rông sau hơn một năm triển khai dự án, người ta đã thấy có sự thay đổi rõ rệt: các trạm y tế khang trang ngăn nắp, đội ngũ y bác sĩ tư vấn chăm sóc bệnh nhân nhiệt tình và qua đó, người bệnh cũng đã đặt niềm tin nhiều hơn vào dịch vụ y tế công. Chị Păng tinh K'Giêng, một người dân ở xã Rô Men vui vẻ nhận xét, thời gian gần đây, chị không còn ngại đến trạm y tế để khám chữa bệnh nữa. Theo chị, dự án đã mang lại những ý nghĩa rất thiết thực cho người dân nghèo. Với quy trình đã được thiết lập, lợi ích của dự án đối với Đam Rông sẽ vẫn được duy trì ngay cả khi nó kết thúc vào năm 2016.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.