Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một dòng chảy văn học Hàn Quốc tại Việt Nam

Hạ Yến| 17/12/2021 11:34

(HNMCT) - So với các ngành công nghiệp nội dung khác như âm nhạc, điện ảnh, thời trang, lĩnh vực xuất bản của Hàn Quốc phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên, xuất khẩu sách vẫn còn hạn chế. Trong dòng sách du nhập vào Việt Nam những năm gần đây, văn học Hàn Quốc đã ghi những dấu ấn bước đầu.

Tới đây độc giả Việt sẽ được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc có giá trị.

Trong gần 30 năm kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc vào năm 1992, hai nước đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Những "viên gạch văn chương" đầu tiên giao lưu Việt - Hàn cũng từng bước được hình thành.

Theo bà Vũ Thị Yến, phụ trách Truyền thông - NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, vài năm qua, số đầu sách văn học dịch Hàn Quốc tại Việt Nam đã vượt qua hàng chục, bắt đầu sang con số hàng trăm, đủ tạo một góc riêng “văn học Hàn Quốc” trên kệ trưng bày ở các nhà sách.

Những cuộc thi "Viết cảm nhận tác phẩm văn học Hàn Quốc", giao lưu "Đối thoại với nhà văn Hàn Quốc" hay mới đây là cuộc thi "Điểm sách văn học Hàn Quốc" cho thấy một dòng chảy văn học Hàn Quốc đang lặng lẽ thu hút người đọc Việt Nam và đã bước đầu hình thành một lượng độc giả nhất định. Tác phẩm văn học Hàn Quốc được các dịch giả, các đơn vị làm sách tại Việt Nam giới thiệu khá đa dạng, từ các đầu sách cho thiếu nhi, giới trẻ hay những người trưởng thành, từ thơ, văn xuôi đến sách nghiên cứu.

“Cô gà mái xổng chuồng” của Hwang Sun-mi là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của văn học thiếu nhi Hàn Quốc, được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyến khích trẻ em đọc, ngay khi ra mắt độc giả Việt Nam đã tạo được ấn tượng sâu sắc. Hay cuốn sách “đốn tim” độc giả “Bố con cá gai” không chỉ là tác phẩm tuyệt vời dành cho thiếu nhi, mà ngay cả người lớn cũng khó có thể cầm được nước mắt trước tình cha con cảm động và “ấm áp như ánh nắng mùa xuân”. Văn hóa - xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc, so với các nước phương Tây, có một sự tương đồng, gần gũi hơn, do đó những tác phẩm có chủ đề về gia đình, tình bạn, tình yêu, tuổi trẻ thường được ưu tiên “nhập khẩu”. Có thể kể đến “Hãy chăm sóc mẹ”, “Khu vườn bí mật”, “Cá thu”, “Về nhà với mẹ”, “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi”, “Cô gái viết nỗi cô đơn”, “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”... Độc giả Việt có thể tìm thấy trong những tác phẩm này bóng dáng của bản thân mình, gia đình mình, bè bạn mình, từ đó đồng cảm với nhân vật, yêu thích câu chuyện.

Cùng với tiểu thuyết, tự truyện là các tập thơ như “Thác mặt trời”, “Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc”, tập truyện ngắn “Khi hoa kiều mạch nở”, sách nghiên cứu “Sự lý thú của Hàn Quốc học”... Mới đây, tiếp nối sự thành công từ tập 1, “Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc” tập 2 được tuyển chọn từ tạp chí Koreana đã ra mắt độc giả Việt. Theo dịch giả Hoàng Trang, một trong những dịch giả của cuốn sách “Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc”, những năm gần đây, dù văn học Hàn Quốc có nhiều tác phẩm được giới thiệu ở Việt Nam nhưng văn học đương đại còn khá mới mẻ. Đó cũng là một phần lý do để “Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc” được chọn dịch.

Ở tập 2 này, trừ một truyện ngắn được sáng tác từ năm 1955 thì 9 tác phẩm còn lại đều thuộc những năm gần đây. 10 truyện ngắn với mười chủ đề đa dạng, trải rộng về cả bối cảnh thời gian và không gian, nhưng vượt lên trên hết là thông điệp về tầm quan trọng của sự giao tiếp giữa người và người. Trong xã hội của thời kỳ công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong những tháng ngày khó khăn do dịch Covid-19, con người có xu hướng ẩn mình đằng sau màn hình của các thiết bị thông minh, giao tiếp chuyển từ trực tiếp sang thông qua bàn phím và micro. Sự thiếu giao tiếp ấy có thể khiến chúng ta “mắc kẹt” trong nỗi ám ảnh của cái tôi, trong những mối quan hệ, mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại. Bởi thiếu giao tiếp nên chúng ta có thể mất đi “liều thuốc” cảm thông và thấu hiểu, thiếu đi sự quan tâm và yêu thương, trở nên lạc lõng giữa xã hội, cô đơn trong chính gia đình của mình. Sự cô đơn của con người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, không chỉ bắt gặp trong văn học đương đại Hàn Quốc mà còn có ở đâu đó trong nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ Việt Nam.

Một điều thú vị nữa trong tập truyện ngắn Hàn Quốc mới ra mắt này là “mối lương duyên” Việt Nam - Hàn Quốc hiện hữu đâu đó. Qua trang sách, độc giả bắt gặp “một thoáng Việt Nam” như một quán ăn Việt Nam trên đất Hàn Quốc mà nhân vật trong truyện đã ghé qua, hay một cô dâu Việt Nam trong hội thoại của các nhân vật. Sự gần gũi ấy cũng góp phần mang đến cảm xúc mới cho độc giả.

Trong dòng văn học ngoại nhập vào Việt Nam, văn học Hàn Quốc hiện chiếm tỷ lệ nhỏ, số lượng sách còn ít. Đội ngũ dịch thuật văn học Hàn Quốc chưa nhiều và đa phần lại không phải là dân văn chương, ngôn ngữ, bởi thế, tuy nhiều dịch giả rất giỏi tiếng Hàn nhưng lại thiếu chút tinh tế trong tiếng Việt để có thể làm nên những bản dịch xuất sắc, ấn tượng. Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022) và 30 năm thành lập Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc Korea Foundation (1991 - 2021), tin rằng với sự hỗ trợ của các tổ chức, chính phủ Hàn Quốc thông qua chuỗi hoạt động quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới (như Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc), sự nỗ lực của các nhà xuất bản Hàn Quốc và Việt Nam, sự đóng góp của các dịch giả, tới đây độc giả Việt sẽ được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn chương Hàn Quốc có giá trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một dòng chảy văn học Hàn Quốc tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.