(HNM) - Thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc trước hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hòa Hợp (Công ty Hòa Hợp), trụ sở tại Điểm CN làng nghề Đắc Sở (Hoài Đức) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng trăm hộ dân thôn Yên Thái, xã Tiền Yên gần đó.
Tháng 4-2009, UBND TP đã ra Quyết định số 1525 xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường, nhưng đến nay đã qua 25 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực, Công ty Hòa Hợp vẫn chưa nghiêm túc thực hiện, gây bức xúc trong nhân dân.
Trưởng thôn Yên Thái Tạ Đăng Phong cho biết, từ tháng 9-2008, nhà máy bắt đầu chạy thử dây chuyền sản xuất bột giặt (công suất 10.000 tấn/năm) trong thôn liên tục xuất hiện một mùi lạ khó chịu và tiếng ồn lớn khiến người dân nôn nao, chóng mặt. Mặc dù khi vận hành, Công ty Hòa Hợp đã gặp phải phản ứng gay gắt của nhân dân thôn Yên Thái nhưng sự việc đâu lại vào đấy.
Nhưng làm việc với PV Hànộimới, Giám đốc Công ty Đỗ Trung Hòa lại khẳng định "không" gây ô nhiễm. Đến khi PV đưa ra dẫn chứng việc Công ty Hòa Hợp gây ô nhiễm môi trường, ông Hòa mới thừa nhận. Tuy nhiên, ông Hòa giải thích, thời điểm gây ô nhiễm môi trường khi chạy thử dây chuyền (cuối năm 2008, đầu năm 2009), từ giữa năm 2009 đến nay hoạt động sản xuất của công ty không gây ô nhiễm môi trường. Trái với ý kiến ông Hòa, Chủ tịch UBND xã Tiền Yên Đinh Thế Khải cho rằng, quan điểm trên không đúng với thực tế vì rất nhiều người dân đã bị hoa mắt, chóng mặt khi dây chuyền hoạt động. Hơn nữa, theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10-10-2002 của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động thì đối với việc sản xuất xà phòng công suất trên 2 nghìn tấn/năm phải cách xa khu dân cư tối thiểu 500m. Nhà máy sản xuất bột giặt và hóa mỹ phẩm số 1 thuộc Công ty Hòa Hợp sản xuất với công suất 10.000 tấn/năm nhưng chỉ cách khu dân cư chưa đầy chục mét.
Xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, việc chậm trễ trong xử lý của các cơ quan chức năng một phần do việc giám sát thực hiện quyết định xử phạt của Sở TN&MT gặp khó khăn. Mỗi khi Sở TN&MT kiểm tra Công ty Hòa Hợp đều không hoạt động nên không kiểm tra được gì, vì vậy phải chờ khi cơ quan công an vào cuộc bắt quả tang Sở TN&MT mới có căn cứ để xử lý.
Trong thời gian bị buộc đình chỉ hoạt động để thực hiện các biện pháp khắc phục về bảo vệ môi trường, Công ty Hòa Hợp đã nhiều lần cho dây chuyền sản xuất bột giặt công suất 10.000 tấn/năm hoạt động (theo tổng hợp của xã Tiền Yên, từ khi có quyết định xử phạt hành chính đến ngày 4-3-2011, Công ty Hòa Hợp vận hành dây chuyền sản xuất bột giặt 91 ngày với 94 lần vi phạm). Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm, giải pháp tối ưu nhất là di chuyển dây chuyền sản xuất bột giặt ra khỏi khu dân cư hoặc doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất đúng với mục tiêu, quy mô của dự án đã được phê duyệt ban đầu, đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.