Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, tôi có dịp chở anh bạn đang sinh sống ở một nước Đông Âu về quê đón Tết. Nhìn đường sá, phương tiện đi lại, anh bạn lắc đầu nói có cho tiền cũng chẳng dám lái xe.
Thế nhưng, sau một hồi chứng kiến cảnh xe của chúng tôi bị tạt đầu, độ kiên nhẫn cũng có vẻ tới hạn, anh bèn càu nhàu: “Ở bên kia là tôi mở cửa xe ra quạt cho một trận rồi đấy”. Tôi cười: "Đặc thù giao thông mình vậy, thôi thì một điều nhịn, chín điều lành”. Sau khi thấy bạn đã có phần “hạ hỏa”, tôi mới nói: "Tôi đã xem nhiều clip bên phương Tây các ông rồi. Khi xảy ra tình huống nguy hiểm, thậm chí là đã va chạm giao thông, các ông có thể xuống xe to tiếng với nhau nhưng người sai thường biết lỗi và xin lỗi. Nếu không tự giải quyết được với nhau thì gọi cơ quan chức năng đến xử lý theo quy định. Còn ở ta, đôi khi chỉ cần to tiếng (dù đúng) cũng có thể khiến mình bị “ăn đòn” vì tâm lý cậy quan hệ, quen biết. Thế mới có chuyện “đi tìm bố” “nổi tiếng cõi mạng” với câu nói rằng “mày có biết bố mày là ai không” đấy!”.
"Nói có sách, mách có chứng". Dịp Tết vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền không ít vụ xô xát, ẩu đả sau va chạm giao thông. Điển hình là ngày 22-1, tại địa phận xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, một người đàn ông đã hành hung, gây thương tích cho một thanh niên sau khi xảy ra va chạm giao thông. Ngày 1-2, tại huyện Giao Thủy, Nam Định cũng xảy ra vụ việc hai anh em tấn công một lái xe sau khi xảy ra va chạm giao thông. Ngày 10-2, tại ngõ 310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, một lái xe ô tô đã hành hung một người giao hàng tàn tật... Tất nhiên, các cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc tìm hiểu, xác minh và những người có hành vi sai trái đều lập tức ngoan ngoãn nhận lỗi và vui vẻ chấp nhận các mức phạt tương xứng với hành vi bột phát của mình. Thường thì những người có sai phạm thường biện minh cho hành động của mình là do áp lực cuộc sống, nóng nảy nên không thể kiểm soát hành động. Nghe thì có vẻ dễ cảm thông nhưng không thể chấp nhận kiểu ứng xử thiếu văn hóa, coi thường người khác và cộng đồng như vậy. Theo quy định của pháp luật, hành vi hành hung người khác khi xảy ra va chạm giao thông có thể xem là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, có thể bị phạt 5 - 8 triệu đồng, đồng thời phải trả chi phí khám, chữa bệnh cho nạn nhân. Nếu nghiêm trọng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác...
Nếu biết mức phạt nghiêm khắc nói trên, nhiều người sẽ phải cân nhắc trước khi “nổi nóng” hành hung người khác. Chắc chắn như vậy, bởi hình ảnh, thái độ hùng hổ, không coi ai ra gì của họ khi hành hung người khác thường được thay thế bằng sự ăn năn, hối lỗi sau khi bị cơ quan chức năng triệu tập tới để giải quyết mâu thuẫn. Có thể thấy, sự thiếu hiểu biết pháp luật là nguyên nhân chính dẫn tới những vụ việc không đáng có. Ở chiều ngược lại, đôi khi cũng có “nạn nhân” hiểu biết quy định pháp luật, nên cứ khích bác, “mời” đối phương hành hung rồi quay clip làm bằng chứng. Đến khi “được vạ thì má cũng sưng”, lợi đâu chưa thấy, đã thấy răng rụng, máu chảy. Bên thì bị đau, bên phải bồi thường, cả hai cùng thiệt.
Mùa lễ hội xuân mới chỉ bắt đầu và những tình huống va chạm có thể xảy ra, nhất là trong cảnh người xe chen chúc, là rất cao. Khi đó, bên cạnh trang bị kiến thức pháp luật, mỗi người cần có ý thức ứng xử văn minh, kiềm chế cái tôi, tránh để cái mồm, cái tay nhanh hơn cái não để rồi rước thiệt vào thân, như người xưa nói: "Một điều nhịn, chín điều lành!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.