Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một công trình, triệu tấm lòng

Mai Vân| 31/05/2013 06:35

(HNM) - Hôm nay (31-5), Công viên Cầu Giấy, công trình gói trọn bao tâm huyết, công sức của những người có trách nhiệm, các ban, ngành của quận, đặc biệt là của gần trăm doanh nghiệp và nhà hảo tâm tài trợ kinh phí xây dựng, sẽ chính thức mở cửa chào đón trẻ em và nhân dân quanh vùng.


Mảnh đất hơn 10 hécta "thay da, đổi thịt" trở thành "lá phổi" xanh cho một khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, trở thành nơi đáng sống. Thành công ấy còn minh chứng cho cách làm xã hội hóa đầy hiệu quả của quận Cầu Giấy.

Các em thiếu nhi vui chơi trong công viên Cầu Giấy Ảnh: Hải Anh



Dù đã được giới thiệu từ trước nhưng khi đến Công viên Cầu Giấy vào một buổi chiều nắng như đổ lửa, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Cái nắng như dịu đi trước màu xanh của những thảm cỏ. Sự mệt mỏi như tan biến bởi không khí hồ hởi, phấn khởi của cả cán bộ, công nhân viên đang trần mình dưới cái nắng khẩn trương hoàn thành những phần việc cuối cùng chuẩn bị cho ngày khai trương. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Thế Toản, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Việt Hà, Bùi Thị Vân Anh và lãnh đạo các phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin… đều có mặt để kiểm tra những phần việc được phân công. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Thế Toản vui mừng chia sẻ: "Đây là công viên lớn thứ hai của quận Cầu Giấy được đầu tư bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Năm ngoái, chúng tôi đã xây dựng xong Công viên Nghĩa Đô. Năm nay, đầu tư giai đoạn 2 của Công viên Cầu Giấy. Chị tham quan khu vui chơi này xem, để hiểu vì sao chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi nó hoàn thành".

Bước chân trần trên đồi cỏ, cảm nhận được sự mềm mại của thảm cỏ nhân tạo mà Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị Trần Đình Cường đã "khoe" rằng rất "xịn" để không làm đau bàn chân con trẻ, tôi đến nghiêng ngó mấy trò chơi ngoài trời khá lạ mắt. Dường như hiểu được sự tò mò ấy, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Vân Anh giải thích, gần chục nhóm đồ chơi ở khu vui chơi này đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, để bảo đảm an toàn cho trẻ và độ bền của thiết bị. Ở khu vực trò chơi leo trèo để rèn luyện thể lực và sự khéo léo này, dưới cỏ là lớp vật liệu bảo đảm "lỡ cháu nào chẳng may bị ngã thì cũng rất êm". Sau hai giai đoạn đầu tư, khu vui chơi trên diện tích gần 10 nghìn mét vuông của công viên đã hoàn thành. Để có được những ngọn đồi thoai thoải, những thảm cỏ xanh mướt và những bóng cây nay mai sẽ che nắng cho trẻ đến vui chơi, 10 nghìn mét khối đất đã được đem về đổ tạo đồi, gần 5,5 nghìn mét vuông cỏ nhân tạo được trải, gần 200 cây trưởng thành được trồng. Đó là chưa kể hàng trăm mét vuông thảm hoa và nhiều công trình phụ trợ khác. Và từ ngày 1-6 này, trẻ em và nhân dân không chỉ ở quanh khu vực mà toàn thành phố có thể đến đây để tận hưởng một không gian thoáng đãng, vui chơi trong một môi trường xanh, sạch và đẹp vào bậc nhất Thủ đô này.

Chăm lo cho thế hệ tương lai có lẽ là "niềm say mê" của nhiều thế hệ tập thể lãnh đạo quận Cầu Giấy. Tôi đã cảm nhận được điều ấy qua nhiều năm đồng hành cũng ngành giáo dục đào tạo của quận. Có lẽ, đây là nơi mà các trường học được xây dựng đạt chuẩn nhất. Chỗ đất nào đẹp, thuận lợi cho việc phát triển trường học, dù có phải hy sinh lợi ích kinh tế thì quận cũng sẵn sàng. Đây cũng là nơi mà ngành giáo dục được chăm sóc chu đáo nhất khi mọi hoạt động của ngành, những chủ trương dù lớn hay nhỏ, nếu thấy có lợi cho sự nghiệp giáo dục thì đều được ủng hộ tối đa. Hằng năm, quận dành 30% ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Trong danh mục và kế hoạch triển khai các dự án, công trình gắn biển kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trên địa bàn quận có 11 dự án thì có đến 6 dự án trường học với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng. Cách quan tâm đầu tư cho giáo dục ấy đã thu về "trái ngọt" khi 7 năm liền giáo dục Cầu Giấy là đơn vị dẫn đầu thành phố. Nhưng không chỉ với giáo dục. Quan điểm và phong cách ấy được áp dụng ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là cho việc phát triển văn hóa - xã hội nên đến nay, toàn quận có 139 nhà văn hóa, nhà họp tổ dân phố, 7 bể bơi, 8 sân tennis, 2 sân vận động lớn, 10 sân bóng đá, 12 sân bóng chuyền, 522 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em mà Công viên Nghĩa Đô và Cầu Giấy là điển hình.

Năm 2012, cũng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, khu vui chơi ở Công viên Nghĩa Đô và một phần Công viên Cầu Giấy đã được xây dựng, mỗi ngày đón từ 2.000 đến 5.000 lượt người đến vui chơi, rèn luyện thân thể. Nhận thấy nhu cầu về chỗ vui chơi của trẻ em trên địa bàn nói riêng, trẻ em toàn thành phố nói chung còn rất lớn, quận đã quyết định tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để hoàn thiện khu vui chơi ở Công viên Cầu Giấy. Trả lời thắc mắc của tôi rằng, trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, làm thế nào mà Cầu Giấy kêu gọi được sự tham gia của 13 doanh nghiệp và 30 cá nhân, góp hơn 8 tỷ đồng cho việc xây dựng khu vui chơi miễn phí này, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị đưa cho tôi một bản thống kê danh sách các đơn vị, cá nhân tài trợ cho công trình. Và tôi đã hiểu, chính cách làm xã hội hóa của quận đã "lôi kéo" được những tấm lòng vì trẻ em. Quận nhận sản phẩm tài trợ, không nhận tiền. Nơi đảm nhiệm các hạng mục chính, chỗ góp nhân lực, vật lực, thiết bị, đơn vị này lo toàn bộ thảm hoa, doanh nghiệp kia chịu trách nhiệm bê tông mặt đồi, sơn trang trí. Có những doanh nghiệp lớn, với hàng nghìn cán bộ công nhân viên tham gia, nhưng cũng có những cửa hàng kinh doanh bình thường vẫn góp công, góp của. Các cá nhân, người thì một hai cây xanh, người góp ngọn đèn trang trí. Cách xã hội hóa bằng sản phẩm không chỉ đem đến niềm tin mà còn mang lại chất lượng các hạng mục như mong muốn.

Ngoài khu vui chơi, tại Công viên Cầu Giấy còn có một hạng mục đặc biệt: bách thảo mini - nơi trồng 100 loại cây phổ biến ở nước ta, nơi các trường có thể dùng là "giáo cụ trực quan" cho những giờ tìm hiểu tự nhiên xã hội hay tiết sinh học. Trẻ em đến đây sẽ biết cây nào là cây bưởi, cây na, cây duối, cây nhãn, cây mai, cây mận… những cái tên mà chúng chỉ có thể đọc trên sách vở, khó có thể thấy ngoài đời. Công viên Cầu Giấy cũng sẽ trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lớn của quận, nơi người già tập dưỡng sinh mỗi sáng, con trẻ đến vui chơi sau những giờ học vất vả.

Công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Dù vất vả nhưng niềm vui và cả niềm tự hào ánh lên trong mắt của những người có trách nhiệm, những người được giao nhiệm vụ và cả những anh, chị công nhân đang tỉa từng bông hoa, trải từng miếng cỏ. Họ đã bằng tình cảm, tâm trí và sức lực mang đến cho thế hệ tương lai của Cầu Giấy một niềm vui lớn không chỉ trong ngày Tết Thiếu nhi năm nay mà niềm vui ấy còn kéo dài suốt những năm tháng tuổi thơ. Nhưng họ vẫn còn đau đáu một nỗi lo. Lo làm sao để giữ gìn nơi này luôn sạch sẽ, đồ chơi luôn an toàn, cây cối luôn tốt tươi khi nguồn kinh phí eo hẹp. Nhưng tôi tin, họ sẽ có "giải pháp", có thể là thu vé vào cổng với giá bằng tiền gửi một chiếc xe đạp hoặc tổ chức trông giữ xe, trông giữ giày dép để thêm nguồn kinh phí. Và tôi cũng tin người dân sẽ sẵn sàng cùng xã hội hóa với quận bằng sự đóng góp nho nhỏ mỗi khi đến đây để Công viên Cầu Giấy mãi là một công trình xã hội của cộng đồng và cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một công trình, triệu tấm lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.