Ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ở Việt Nam một cách hiệu quả, kinh tế và an toàn”, đó là nhận xét quan trọng để cụm công trình khoa học của GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (ảnh), được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ lần thứ 5, năm 2015.
Tuy nhiên, chỉ khi “mục sở thị” những bệnh nhân ung thư đã được cứu sống mới thực sự thấy được hiệu quả ấn tượng từ ứng dụng Giải thưởng đặc biệt này.
Tiếp chúng tôi sau rất nhiều cố gắng để thu xếp thời gian, GS.TS Mai Trọng Khoa cười nói: “Giải thưởng có tên Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác, trong đó gồm 5 nhóm công trình. Nếu giải thích đúng theo khoa học, hẳn sẽ “khó” cho bạn đọc. Do vậy, các nhà báo gặp “người thực, việc thực” tìm hiểu sẽ hiệu quả hơn”.
Người mà GS.TS Mai Trọng Khoa giới thiệu cũng là một bác sĩ, anh là PGS.TS Đỗ Quốc Hùng, nguyên Trưởng phòng C7, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.
BS Đỗ Quốc Hùng cho biết, đầu năm 2012, do bị ho kéo dài, uống thuốc cũng không khỏi nên anh tự đi kiểm tra sức khỏe. Kết quả rất nhiều kỹ thuật chẩn đoán của chính đồng nghiệp đã kết luận, BS Hùng bị ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn 4B), ung thư đã di căn khắp cơ thể: Hạch, cột sống, xương sườn...
Lúc này, BS Hùng nhận được nhiều lời khuyên nên ra nước ngoài chữa bệnh. “Gia đình cũng có điều kiện, có thể sang Mỹ hoặc châu Âu, Singapore... để điều trị. Nhưng là người trong nghề, tôi biết y tế Việt Nam luôn cập nhật kỹ thuật hiện đại của các nước trên thế giới. Quan trọng hơn là ở đây, tôi được gần người thân, được đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ, động viên...”, BS Hùng chia sẻ.
Vậy nên, BS Hùng đã đến gặp GS.TS Mai Trọng Khoa để tư vấn, áp dụng các kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa và một số kỹ thuật khác để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Bệnh nhân được chụp CT ngực, sinh thiết khối u ở phổi, làm các xét nghiệm đột biến gen... Đặc biệt, chụp PET/CT toàn thân để phát hiện khối u tại phổi và các nơi khác trong cơ thể. Sau đó, BS Hùng đã được truyền hóa chất với phác đồ được tính toán kỹ, rồi được sử dụng thuốc điều trị đích. Sau hơn 7 tháng điều trị, BS Hùng đã được chụp PET/CT toàn thân để đánh giá đáp ứng điều trị. Kết quả cho thấy các khối u trên cơ thể BS Hùng gần như đã biến mất.
Thế nhưng, hơn 2 năm sau, căn bệnh ung thư lại tái phát, khối u lại di căn xương chậu, cột sống khiến bác sĩ Hùng đau đớn, phải ngồi xe lăn. Lần này, anh được chỉ định điều trị bằng phương pháp dùng hóa chất kết hợp xạ trị có sử dụng hình ảnh PET/CT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị và thuốc điều trị đích, thuốc chống hủy xương... Sau điều trị, các khối u một lần nữa lại biến mất.
Và rồi, đến năm 2015, khối u lại di căn vào não.
“Mắt trái cứ mờ dần mà không có biểu hiện đau đớn nào nên tôi đi khám mắt. Bác sĩ phát hiện bong võng mạc do một khối u trên não đè ép nhãn cầu gây ra. Đến gặp BS Khoa để chụp PET/CT và cộng hưởng từ sọ thì phát hiện đã có khối u lớn trong não”, BS Hùng kể.
Trong lần tái phát thứ 3 này, BS Hùng được chỉ định điều trị theo phương pháp xạ phẫu bằng dao gama quay (hội tụ các chùm tia bức xạ rất mảnh một cách chính xác vào khối u não) để tiêu diệt khối u, đồng thời kết hợp truyền hóa chất và thuốc điều trị đích.
GS Mai Trọng Khoa cho biết, khi đó, tình trạng bệnh của BS Hùng đã là giai đoạn muộn, khối u trên não không còn chỉ định phẫu thuật. Trên lý thuyết, những trường hợp này chỉ có thể điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ. Nhưng với nghị lực vững vàng, tuân thủ điều trị tuyệt đối cộng với một chiến lược điều trị hợp lý, khoa học và được áp dụng những kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tiên tiến, BS Hùng đã chiến thắng được căn bệnh, toàn bộ khối u đã không còn, hiện anh vẫn đang công tác chuyên môn tại BV Bạch Mai. Và với những bệnh nhân ung thư, trường hợp sống sót sau 5 năm phát hiện đã được coi là khỏi bệnh.
Thực tế, BS Hùng chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư được chữa khỏi nhờ thụ hưởng kết quả từ cụm công trình khoa học do GS.TS Mai Trọng Khoa và các cộng sự thực hiện. Các phương pháp điều trị từ công trình khoa học này đã giúp chẩn đoán sớm, chính xác giai đoạn bệnh, giúp bác sĩ đưa ra được các phương pháp điều trị chính xác và an toàn cho bệnh nhân. Đặc biệt, đã góp phần giải quyết các khó khăn trong chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân ung thư tái phát, di căn, mà các phương pháp điều trị trước đó không đáp ứng được.
“Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn từ cụm công trình khoa học nêu trên còn được phổ biến, đào tạo, chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư, giảm đáng kể chi phí điều trị và chi phí xã hội cho việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh này”, GS.TS. Mai Trọng Khoa, khẳng định.
Và điều quan trọng hơn cả là những thành công nêu trên đã tạo niềm tin cho nhiều bệnh nhân ung thư, giúp họ vững tin ở lại điều trị trong nước, không phải ra nước ngoài chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân người nước ngoài ở châu Á bị mắc bệnh ung thư và một số bệnh lý khác cũng đã đến điều trị thành công tại Bệnh viện Bạch Mai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.